Chiếm trên 50,4% dân số Hà Nội, những phụ nữ Thủ đô đóng góp gần một nửa lực lượng lao động, có mặt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của thành phố. Và, với nét đẹp thanh lịch, đảm đang, họ ngày càng khẳng định vị thế vững chắc, cũng như có những đóng góp đáng kể trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cụ thể, 1 trong những đóng góp nổi bật của phụ nữ Thủ đô trong nhiệm vụ này là cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động vào tháng 2/2018. Rồi gần đây nhất, Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI tiếp tục phát động hội viên, phụ nữ toàn thành phố thực hiện cuộc vận động này trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
"Trái ngọt" từ một cuộc vận động
Bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, qua 3 năm triển khai, cuộc vận động này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về thực hiện cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp được chú trọng đổi mới cả nội dung, hình thức để chuyển tải các thông điệp truyền thông về văn hóa ứng xử tới cộng đồng. Cụ thể, ở cấp thành phố, Hội đã tổ chức 62 lớp tập huấn về cuộc vận động và 2 quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội cho trên 9.000 lượt cán bộ, hội viên nòng cốt và báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.
Ở cấp cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận/huyện/thị xã đã tổ chức 385 buổi tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô "Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch".
Ngoài ra, các tổ chức H phối hợp tổ chức 162 buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… cho 31.720 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, tổ chức 135 buổi giao lưu văn nghệ, r mắt 265 câu lạc bộ dân vũ, văn hóa văn nghệ, thể thao.
Bên cạnh đó các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ Thủ đô thực hiện văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực đã được các cấp của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đẩy mạnh thông qua việc chỉ đạo các mô hình điểm: Xây dựng "gia đình 5 không 3 sạch", "gia đình 5 có, 3 sạch"; Sinh hoạt câu lạc bộ "Gia đình văn minh hạnh phúc", câu lạc bộ "Mẹ chồng mẫu mực, nàng dâu thảo hiền"; Triển khai các chương trình "Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu", "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả", "Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu" trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng… Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được: 20 "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả"; 30 "Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu"; 51 "Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu".
Đặc biệt, mô hình "Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản" được Hội Liên hiệp Phụ nữ 100% quận, huyện, thị xã hưởng ứng và triển khai. Tương tự, mô hình "Tổ ngành hàng nói không với túi nilon" và mô hình "Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ" được nhân rộng tại 100% các chi hội phụ nữ dưới nhiều hình mới, tên gọi mới...
Với những hoạt động được triển khai toàn diện từ cuộc vận động này, tính đến nay đã có 3.367 tập thể, 7.514 cá nhân được các cấp, ngành biểu dương, tôn vinh; 19 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực được vinh danh và đề xuất 29 cán bộ, hội viên, phụ nữ nhận danh hiệu "Người tốt - việc tốt" của thành phố, nhiều điển hình phụ nữ được lựa chọn để viết sách Những bông hoa đẹp, Ngàn hoa dâng Bác...
Theo bà Hồng, những kết quả được ghi nhận là minh chứng sống động cho tính hiệu quả, thiết thực và sức lan tỏa của cuộc vận động trong thời gian qua, góp phần mang đến những điểm sáng cho công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hiện nay, toàn thành phố đã có 366 vườn hoa phụ nữ tự quản với 67 mô hình được thành lập mới.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ hướng tới mục tiêu chung
Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Thủ đô trong thực hiện chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025", ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Nhiều đơn vị, tổ chức đã triển khai tốt Chương trình số 06-CTr/TU, lồng ghép nội dung của chương trình vào nghị quyết đại hội, chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả xây dựng, hình thành chuẩn mực con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, điển hình là cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp.
Các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các nội dung của cuộc vận động đến các đối tượng phụ nữ thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gắn với việc tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử của thành phố và phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", với 4 tiêu chí: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Cũng theo ông Học, nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả thực hiện cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp đã được triển khai và nhân rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác. Cùng với đó, công tác phối hợp với các đoàn thể, công tác biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình được quan tâm thực hiện. Chính vì vậy, nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân Thủ đô được nâng lên rõ rệt, tạo chuyển biến khá tích cực, góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Các phong trào, cuộc vận động của Thủ đô đã có tác dụng tích cực và thực sự đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến rõ nét nhờ nỗ lực triển khai, hành động trong các cấp, các ngành của Thủ đô. Trong đó, cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu.
Theo ông Sơn, với 5 nội dung là: Thanh lịch, văn minh trong ăn, mặc, nói năng, giao tiếp; văn hóa ứng xử trong gia đình; văn hóa ứng xử tại cơ quan, đơn vị; văn hóa ứng xử nơi công cộng; văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, cuộc vận động đã được thực hiện với nhiều đổi mới các hình thức tuyên truyền qua các highlight, trailer tuyên truyền trước và sau khi diễn ra sự kiện; tuyên truyền thông qua infographic, video, hình ảnh; tăng cường tổ chức livestream; tổ chức các hội nghị tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các nội dung của cuộc vận động.
Cùng với đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức tạo điểm nhấn và sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Thủ đô như: Hội thi Chủ tịch Hội cơ sở giỏi thành phố năm 2023; Hội khỏe Phụ nữ Thủ đô; Chương trình đồng diễn áo dài với chủ đề Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển; Liên hoan dân vũ Phụ nữ Thủ đô, Festival Phụ nữ Thủ đô hội nhập, phát triển hay Giải đi bộ Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp đã thu hút đông đảo người tham gia.
Từ cuộc vận động, nhiều mô hình hay như "Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang", "Tổ phụ nữ trong sạch", "Tổ phụ nữ hai không, một có", "Đường hoa phụ nữ tự quản", "Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện môi trường", "Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm"... được nhân rộng, có thể trở thành những điển hình trong cả nước.
Như thế, những kết quả, hiệu ứng có được từ cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Thủ đô trong mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Chờ "khuôn mẫu chung" từ tấm gương của phụ nữ
"Cha ông ta vẫn có câu: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" như một cách ví von về ý nghĩa tinh thần của người vợ, người mẹ và cũng phù hợp với vai trò xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh hiện nay. Khi người phụ nữ ứng xử đẹp và trở thành tấm gương, điều đó sẽ có tác dụng rất lớn đến mỗi gia đình và toàn xã hội. Đó cũng là lúc những ứng xử thanh lịch, văn minh từ người phụ nữ trở thành khuôn mẫu chung cho cả xã hội" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.
(Còn tiếp)
Tags