Mùa hè là khoảng thời gian được mong đợi nhất của trẻ em, bởi sau một năm học vất vả, các em được nghỉ học và bước vào kỳ nghỉ hè. Nhưng để những ngày hè trở thành những ngày vui, ý nghĩa và an toàn thì các bậc phụ huynh cần phải dành nhiều thời gian quan tâm tới các con, trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng ngừa, ứng phó với các rủi ro.
Đảm bảo an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè
Tai nạn, thương tích rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng vì ở độ tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, muốn khám phá, trong khi lại chưa có đủ kiến thức, kỹ năng phòng, tránh rủi ro. Đáng lo ngại, số vụ tai nạn, thương tích ở trẻ em thường có chiều hướng gia tăng vào mỗi dịp nghỉ hè do học sinh được nghỉ học.
Có nhiều loại tai nạn, thương tích các em có thể gặp phải như: đuối nước, bỏng, điện giật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm… Trong đó, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo song năm nào nước ta cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Không chỉ ở nơi có sông, ngòi, ao, hồ mà ngay cả trong gia đình như giếng, bể chứa nước, bồn tắm cũng là những mối hiểm họa khôn lường.
Ngoài tai nạn thương tích không chủ định, xảy ra bất ngờ, còn có loại tai nạn, thương tích có chủ định, gần đây ngày càng xảy ra nhiều hơn như: bạo lực, xâm hại, đánh nhau,..
Tai nạn, thương tích nếu xảy ra ở trẻ em sẽ có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh nếu có sự chủ động từ nhiều phía trong việc trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng ngừa, ứng phó các rủi ro tai nạn có thể phát sinh…
Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc của các bậc phụ huynh. Theo đó, các bậc phụ huynh dù rất bận công việc thì vẫn phải luôn quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi.
Để phòng tránh tai nạn, thương tích xảy ra trong nhà, những gia đình có trẻ học cấp 1 hoặc nhỏ hơn, cần đặc biệt lưu tâm để mắt đến trẻ, để xa tầm tay trẻ những vật nhỏ, sắc nhọn, nguy hiểm; bố trí các ổ điện cao quá tầm với của trẻ hoặc bịt kín khi không sử dụng; khu vực nhà bếp cần có rào chắn đề phòng trẻ bị bỏng nước sôi hoặc những tai nạn có nguyên nhân từ lửa. Không nên cho trẻ chơi tiền xu và các vật dụng quá nhỏ, tránh tình trạng trẻ cho vào miệng, mũi, tai….
Để phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra bên ngoài nhà, cần chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại cộng đồng; kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của trẻ; thường xuyên nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao hồ khi không có người lớn; lắng nghe trẻ nói để kịp thời nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư của trẻ, nhằm uốn nắn trẻ đi đúng hướng một cách an toàn, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi dậy thì…
Cùng với gia đình, các cơ sở giáo dục-đào tạo cần mở các đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè.
Chính quyền, ngành y tế và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các bậc phụ huynh về các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong những ngày được nghỉ học. Các địa phương tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để trẻ em được vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp, an toàn. Cùng với đó, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em…
Ngoài ra, việc hướng dẫn trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Một số hoạt động bổ ích cho trẻ tham gia trong dịp nghỉ hè
Mùa hè là quãng thời gian quan trọng để trẻ em thư giãn và trải nghiệm cuộc sống qua những hoạt động khác nhau. Dưới đây là một số hoạt động bổ ích mà các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tham gia trong dịp nghỉ hè.
- Cho trẻ chơi thể thao
Các chuyên gia cho rằng, việc cho con rèn luyện thể thao trong dịp hè là cách giúp con tăng cường sức khỏe. Hơn nữa, còn tạo cho trẻ những kỹ năng về làm việc nhóm, về sinh hoạt tập thể, rất có lợi cho sự phát triển của trẻ sau này. Tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, cờ vua, đá cầu, bơi lội hay thể dục nhịp điệu... sẽ tạo cho trẻ những phản xạ nhanh tích cực và sự hứng khởi. Việc lựa chọn các môn thể thao cần phải căn cứ vào độ tuổi, thể lực, thể trạng của trẻ để có sự phù hợp và hoạt động hiệu quả.
Trong số các môn thể theo thì bơi lội là một môn học rất phù hợp nhất trong dịp hè của con. Bơi không chỉ là một môn thể thao giúp trẻ khỏe mạnh, dẻo dai, phát triển tối đa chiều cao và có được vóc dáng, thân hình cân đối. Bơi còn được xem như một "kỹ năng sinh tồn" trẻ cần phải biết, vì tỷ lệ đuối nước hàng năm của trẻ em lẫn người trưởng thành đều rất cao. Dạy con biết bơi nghĩa là bạn đã trang bị cho con một "chiếc phao" vô hình, theo con suốt cuộc đời, bảo vệ con ở những nơi sông nước.
- Cho trẻ tham gia các lớp học năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống
Trong dịp nghỉ hè, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con theo học các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, các lớp kỹ năng sống... Việc được theo học các lớp năng khiếu trong dịp hè như thế này không chỉ giúp các em có môi trường an toàn lành mạnh để vui chơi và phát huy được những thế mạnh của bản thân, mà còn giáo dục truyền thống đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho các em trong các hoạt động xã hội.
- Tham gia các hoạt động cộng đồng
Mùa hè cũng là dịp có rất nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra. Đây cũng là một gợi ý dành cho ba mẹ và các con. Ba mẹ và các con có thể tham gia các hoạt động như: làm kế hoạch nhỏ (thu gom giấy vụn, vỏ lon…); trồng cây; quyên góp ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc, giúp đỡ người già neo đơn, gia đình có công với cách mạng…
Việc cùng trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ đánh thức ý thức trách nhiệm và sự tôn trọng con người, môi trường sống xung quanh ở trẻ. Đặc biệt, thông qua đó, trẻ sẽ được giáo dục về tình yêu thương, sự đoàn kết, tương thân tương ái và biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh.
- Cho trẻ trải nghiệm cuộc sống ở các vùng quê
Đối với trẻ em thành phố, kỳ nghỉ hè sẽ trở nên rất thú vị nếu con được trải nghiệm cuộc sống ở các vùng quê. Theo đó, gia đình có thể cho con về quê với ông bà một thời gian hoặc đăng ký tour dã ngoại do các trường, nhóm, trung tâm có uy tín tổ chức từ 10- 15 ngày/đợt. Được sống hòa mình, gần gũi với thiên nhiên, sẽ giúp trẻ có thêm sự hiểu biết, thêm yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trước khi cho con về quê hoặc đi dã ngoại cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức căn bản và kỹ năng cần thiết để con có thể thích ứng với môi trường mới. Đây cũng là cách chuẩn bị tâm lý cho con, giúp con không bị bỡ ngỡ, để có thể tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ đó.
- Đi du lịch cùng ba mẹ
Tùy vào điều kiện kinh tế mà các bậc cha mẹ có thể lên kế hoạch cho gia đình đi nghỉ mát, đi du lịch ở những điểm đến khác nhau. Việc cả nhà đi chơi cùng nhau trong một khoảng thời gian sẽ giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội gần nhau, hiểu nhau hơn. Việc tổ chức cắm trại, đốt lửa trại cùng một số hoạt động ngoài trời như: nhảy, hát, trò chơi tập thể... cũng sẽ giúp gia đình thêm gắn kết yêu thương nhau hơn. Qua đó, giúp trẻ có thêm những trải nghiệm đáng nhớ trong mùa hè.
- Cùng nhau nấu ăn
Trẻ 5 tuổi đã có thể bắt đầu vào bếp cùng mẹ. Trẻ 8 tuổi đã dễ dàng nấu được một bữa ăn đơn giản cho chính mình. Việc nấu ăn giúp trẻ tự tin hơn và biết cách chia sẻ việc nhà từ nhỏ. Nếu biết nấu ăn ngon, sau này con còn có thể tự lo cho bản thân mình những lúc bố mẹ vắng nhà. Do đó, dạy con nấu ăn và cùng con nấu những bữa ăn ngon là việc làm có ý nghĩa vừa giúp gắn kết gia đình vừa giúp con có thể tự lập hơn trong tương lai.
- Bổ sung kiến thức, ngoại ngữ
Ngoài các hoạt động vui chơi giải trí, bố mẹ cũng có thể kuyến khích con đọc sách để bổ sung kiến thức hay đăng ký cho con học thêm ngoại ngữ. Bởi kiến thức chính là hành trang giúp con tự tin, vững bước vào tương lai. Tuy nhiên cũng cần cân đối việc học-chơi sao cho hợp lý, tránh gây áp lực cho con. Thay vào đó cần tạo động lực, cổ vũ cho con tự giác học tập và tìm hiểu, khám phá.
Tags