Đề xuất Ba Vì là Công viên Địa chất Quốc gia

Thứ Bảy, 22/11/2014 06:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang mất cân đối trong quá trình bảo vệ, vun bồi di sản văn hóa. Bởi những di sản thiên nhiên, địa chất cùng những giá trị sinh học đặc biệt chưa được chú trọng xứng tầm.

Đó là quan điểm của TS Trần Tân Văn (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi trong Hội nghị chuyên đề “Công tác Quản lý Di sản Văn hóa trên địa bàn Hà Nội” diễn ra sáng hôm qua (21/11) tại Bảo tàng Hà Nội.

Trao đổi với Thể thao&Văn hóa, TS Văn cho biết: Những đặc điểm địa chất của khu vực Ba Vì hoàn toàn hội đủ khả năng để đưa Vườn Quốc gia (VQG) này và vùng phụ cận để thành Công viên Địa chất Quốc gia. “Sau đó, chúng ta sẽ tiến tới đề nghị UNESCO công nhận khu vực này là Công viên Địa chất Toàn cầu để làm tăng thêm giá trị của khu vực này” - Ông Văn nói.


Trở thành Công viên Địa chất Quốc gia có thể là thách thức trong bảo tồn Ba Vì

Tuy nhiên, ý tưởng về việc thành lập Công viên Địa chất ở Ba Vì và khu vực phụ cận gặp nhiều trở ngại. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sức chịu tải của môi trường khu vực chùa Hương, và các khu du lịch sinh thái phụ cận. “Việc số lượng người quá đông đổ về khiến cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, những hoạt động của con người cũng trực tiếp tác động vào các di sản văn hóa, thiên nhiên. Đỉnh điểm là chùa Hương mùa lễ hội. Giờ nếu VQG Ba Vì và những vùng trên trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu, chắc chắn du khách sẽ tăng lên. Song tôi không dám chắc việc di sản có được bảo vệ tốt hơn không hay ngược lại?”- một chuyên gia băn khoăn.

Trao đổi về những quan ngại này, TS Trần Tân Văn cho biết: Công viên Địa chất Toàn cầu là mô hình phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, những hoạt động phát triển kinh tế bền vững hợp với di sản địa chất sẽ được chấp nhận. Bằng không, các hoạt động này phải chịu đào thải và cân bằng dần.

Cũng theo quan điểm ông Văn, nếu như trước đây, du khách đến khu vực chỉ thăm quan ngắn ngày, mang tính đại trà, cũng vì thế không gian bị ảnh hưởng mà chất lượng du lịch không thật cao. Nếu thành Công viên Địa chất Toàn cầu, với những giá trị địa chất, giá trị đa dạng sinh học kết hợp với giá trị văn hóa tâm linh, khu vực sẽ trở thành một điểm đến du lịch có đẳng cấp. Vì vậy việc nâng cao giá trị di sản, bảo tồn kết hợp với khai thác du lịch với số lượng du khách hạn chế không phải bất khả thi.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›