Đề xuất nhà tù Phú Quốc là Di tích Quốc gia đặc biệt

Thứ Bảy, 13/12/2014 06:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là nguyện vọng của hơn 300 đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù, trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1954- 1975 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hơn 300 có mặt trong hội nghị này là những người đã chịu đựng những đòn tra tấn cực hình vô cùng dã man nhất dưới chế đệ tù đày khắc nghiệt của Mỹ - Ngụy ở khắp các nhà tù trại giam Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Tài, Chí Hòa, Tân Hiệp, Buôn Mê Thuật, Biên Hòa, Non Nước...

Phát biểu tại cuộc gặp mặt ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban liên lạc tù binh Việt Nam nhấn mạnh: “nguyện vọng của anh chị em là mong Trung ương Đảng, Nhà nước sớm công nhận Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc là di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại Phú Quốc nhằm phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng...”.

Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chỉ tồn tại trong vòng 80 tháng (từ 7/1967 -3/1973) vì sau khi ký kết hiệp định Paris, việc trao trả tù binh được tiến hành. Nhưng nơi đây, Mỹ - Ngụy đã giam dự hơn 40.000 tù bình, hơn 4.000 người đã chết vì khảo tra, đánh đập với hơn 45 kiểu tra tấn dã man.



Đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan chỉ đạo một cảnh quay trong phim Vòng tay Đảng chốn lao tù tại nhà tù Phú Quốc

Trong buổi gặp mặt, dưới hàng ghế đại biểu, ông Đỗ Văn Bung (ở Hải Phòng) – từng bị bắt giam ở nhà tù Phú Quốc đã chìa cho chúng tôi xem đôi bàn tay với 4 đầu ngón tay từng bị đóng đinh tra tấn để khỏi đào bới trong tù... Theo ông Bung, ngoài bị đóng đinh vào 10 đầu ngón tay ông còn bị nhốt ở chuồng cọp kẽm gai, ăn cơm nhạt...

Ngày 27/4/2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc, trong đó 5 cá nhân cũng được truy tặng, phong tặng.

So với nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do thực dân Pháp dựng lên từ năm 1862, tiếp sau đó đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng, sau 113 năm tồn tại, nơi đây đã giam giữ 200.000 người phần đông là tù chính trị có án, và 40.000 người bị sát hại) thì thời gian hoạt động và số người bị giết hại ở nhà tù Phú Quốc phần nào thấy mức độ ác liệt hơn. Tuy nhiên, năm 2012, nhà tù Côn Đảo đã được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hoa Chanh


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›