(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp xem xét dự thảo đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên, các đơn vị liên quan tới đề án này cần khẩn trương thực hiện 10 nhóm giải pháp và 14 nhiệm vụ đã được nêu trong đề án thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Sở VH,TT&DL tỉnh Lạng Sơn cần tổng hợp các ý kiến đóng góp, rà soát lại đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh trước ngày 1/11/2021.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa - UNESCO, Bộ Ngoại giao cho rằng, công tác khảo sát, chuẩn bị hồ sơ phải tiến hành ngay từ bây giờ để kịp chính thức gửi hồ sơ đến UNESCO vào cuối năm 2022. Và nếu mọi chuyện thuận lợi, trong năm 2023 UNESCO có thể cử chuyên gia sang tìm hiểu thực tế, trước khi xem xét việc công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn vào cuối năm.
Trước đó, Sở VH,TT&DL tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn là Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), và các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”.
- Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
- Đắk Nông đón danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
Theo đó, dự kiến Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh bao gồm trọn vẹn khối đá vôi Bắc Sơn, thuộc địa bàn của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8km2, dân số 375.656 người, tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh.
Qua khảo sát, Lạng Sơn được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng di sản địa chất phong phú, đặc biệt là hệ thống hang động, thạch nhũ còn bảo tồn tốt.
Anh Tuấn
Tags