Theo thông tin được xác nhận sau này bởi những người đầu tiên moi hiện vật từ lòng đất lên, chiếc khánh này thuộc một ngôi mộ táng Đông Sơn ở vùng Làng Vạc. Rất may mắn, những bộ phận quan trọng và có giá trị nhất của hiện vật không bị hư hại. Đó là dãy tượng 5 người ngồi xổm quàng vai nhau ở phần giữa, hai con chim dẩu mỏ cong đuôi ở hai đầu và 4 chiếc chuông nhạc...
"Đông Sơn" là tên gọi một giai đoạn lịch sử văn hóa gắn với thời kỳ Âu Lạc của nước ta. Nhiều bằng chứng khảo cổ học xác nhận đây là thời kỳ xuất hiện những đồ vật cao cấp bằng đồng liên quan đến quý tộc, thủ lĩnh và shaman thầy cúng.
Dấu hiệu từ chiếc chuông lục lạc nhỏ bằng đồng
Dựa trên việc thống kê, có thể nhận thấy những đồ dùng cao cấp hoặc gắn với tâm linh đều có gắn những chiếc chuông lục lạc nhỏ bằng đồng. Dạng chuông treo gắn vào các đồ đồng cao cấp Đông Sơn thường có hình chóp nón thuôn đều như đầu ngón tay, bên trong không có quả lắc. Khi dao động, vỏ chuông đồng mỏng va chạm với nhau hoặc với đồ vật treo vang lên tiếng rền vui tai, long trọng. Loại nhạc chuông này thường thấy nhất trên ốp chân tay của vũ công hay thầy cúng Đông Sơn loại hình Làng Vạc. Chúng cũng thường được gắn vào tấm đeo ngực, khóa thắt lưng, cán dao găm, chuôi kiếm, họng giáo, rìu chiến và một số dụng cụ phục vụ ăn uống cao cấp như muôi, nhĩ bôi, thố, thạp …
Sự xuất hiện của chuông nhỏ này hoặc quai gắn chuông luôn báo hiệu giá trị cao của đồ vật và vị thế của chủ nhân.
Ngày 24/8/2022, tôi nhận được thông báo của một nhà sưu tầm có tiếng ở Thanh Hóa kèm hình ảnh một hiện vật đồng Đông Sơn gỉ xanh lá cây được trang trí rất lạ. Đó là một khối hộp dẹt hình chữ nhật đúc rỗng, bề mặt trang trí những hình thoi và tam giác trổ lỗ và những đường chỉ chìm thể hiện đường bao hoa văn hình học. Khối hộp này dài 22cm, rộng 4cm, dày 2,5cm. Đây là khối hộp nền có móc treo 5 chiếc chuông lục lạc nhỏ ở cạnh đáy, trong khi rìa bên trên đối diện ngoài hai quai treo là đôi chim đối xứng quay đầu vào trong đặt ở hai đầu khối hộp và một dãy 5 người ngồi xổm dàn hàng ngang ở chính giữa, quàng tay ôm nhau theo tư thế tay trái khoác vai tay phải ôm eo.
Theo thông tin được xác nhận sau này bởi những người đầu tiên moi hiện vật từ lòng đất lên, chiếc khánh thuộc một ngôi mộ táng Đông Sơn ở vùng Làng Vạc. Bức hình chụp mấy ngày trước đó cho thấy chiếc khánh còn lem đất đồi và gãy mất một cụm chuông nhạc ngoài cùng bên trái. Rất may mắn, những bộ phận quan trọng và có giá trị nhất của hiện vật không bị hư hại. Đó là dãy tượng 5 người ngồi xổm quàng vai nhau ở phần giữa, hai con chim dẩu mỏ cong đuôi ở hai đầu và 4 chiếc chuông nhạc còn nguyên trạng vị trí móc trong khuyên treo.
Để đạt mức hoàn thiện của một bảo vật, chủ nhân đã dùng đúng một chuông nhạc cổ Đông Sơn gắn vào cho đủ 5 chuông,tái tạo cho hiện vật giá trị gốc ở sự cân đối, trang trọng và không kém phần vui mắt. Ta hãy hình dung một sợi dây sẽ được buộc vào hai quai treo nằm giữa hình chim và dãy người, khiến chiếc khánh được treo lơ lửng trên đầu quyền (hay thần) trượng, hoặc cũng có thể đeo trên cổ một thủ lĩnh hay thầy cúng bộ lạc để vẻ lung linh của chim và dãy người đúc liền trên khánh tỏa rung theo tiếng nhạc lanh canh theo nhịp bước trang nghiêm của họ khi hành lễ.
Hiện tại, khánh đồng này đang nằm trong sưu tập của Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM)
Dãy tượng đặc trưng Đông Sơn
Giá trị nghệ thuật cao nhất của hiện vật đồng Đông Sơn này này nằm ở hai điểm. Thứ nhất là nghệ thuật bố cục tạo hình với trọng tâm chức năng là dàn chuông nhạc treo cân đối bên dưới và hai móc treo bên trên. Trọng tâm mỹ thuật là dãy 5 người ngồi xổm quàng tay đặt chính giữa ở bên trên. 2 con chim ở hai đầu đã giúp giảm nhẹ vị trí phi mỹ thuật của hai móc treo, nhấn thêm thế cân đối trang trọng của chiếc khánh.
Tôi muốn dành nhiều lời hơn cho dãy tượng khối mini người ngồi xổm quàng tay được nghệ nhân tạo hình rất tinh tế và logic.
Từ năm 2001, khi bắt tay vào nghiên cứu nghệ thuật liên kết hai tượng rời Đông Sơn trong các khối tượng đôi nam nữ, tôi đã phát hiện kiểu đan xen đối xứng có nguồn gốc sâu xa từ nghệ thuật đan lát tiền sử. Trong các trường hợp đó, hai cánh tay người luôn được dùng để liên kết hai khối tượng rời thường bố trí theo kiểu so le đối xứng: Mỗi người tay phải đỡ eo, tay trái đỡ lưng người kia (tượng ôm nhau mini trong sưu tập Đặng Hữu Sơn, Hà Nội).
Ở tượng đôi hai người dâng lễ nhĩ bôi thuộc sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn (Dongson Drums Restaurant, Hà Nội) thì một người tay phải, một người tay trái đỡ hai đầu nhĩ bôi, còn lại hai tay kia ôm đan eo nhau. Sưu tập CQK (California, USA) sở hữu một dao găm Đông Sơn kiểu chữ T ngược vùng Thanh Nghệ, trên phần đốc là một băng gồm 6 người ngồi bệt quây tròn, chân chống gối, hai tay quàng vai đan nhau so le đối xứng (tay trái bên dưới, tay phải đè trên tay của bạn ngồi bên), tạo thành một dây bện gắn kết bền vững và đẹp mắt.
Ở dãy tượng 5 người ngồi xổm ở trên chiếc khánh này cũng vậy. Nhìn từ phía trước, ta nhận thấy dãy đầu gối nâng cao trước ngực, bên trên là các khuôn mặt tươi vui, đầu đội khăn vắt chéo phía sau đặc trưng Đông Sơn. Chỉ có hai người ngồi ở hai đầu cho ta thấy tay trái và tay phải của họ trong tư thế chống nạnh Đông Sơn quen thuộc.
Nhưng khi lật xem phía lưng, tôi giật mình chứng kiến cách bố trí đan tay với nghệ thuật rất cao mang đậm nét truyền thống Đông Sơn: Chuỗi tượng ngồi bắt đầu từ bên trái, bằng chứng là người ngồi đầu tiên bên trái dùng tay trái chống nạnh như mở đầu chuỗi, còn tay phải khoác phía trên vai người ngồi bên phải bên cạnh. Đến lượt người này, tay trái đặt dưới tay phải của người đầu tiên, ôm eo và dùng tay phải của mình đặt lên trên vai của người ở giữa…Cứ như vậy đến người thứ 5 ngoài cùng bên phải, đương nhiên dùng tay phải chống nạnh như nút khóa của dây chuỗi và tay trái đặt dưới ôm eo người bên trái mình. Một dây chuỗi liên hoàn chặt chẽ, chỉnh chuẩn.
Cần nhấn mạnh kích thước của mỗi người ngồi trong dãy tượng này chỉ cao chừng 4cm và rộng 2cm thôi. Rõ ràng cách chế phôi mẫu bằng khuôn sáp mới có thể giúp tạo ra dãy tượng tinh tế đến như vậy.
Mở rộng tầm nhìn rộng ra các nền văn hóa xung quanh, kiểu trang trí với dãy người ngồi như trên chiếc khánh Đông Sơn nói trên có thể bắt gặp gần tương tự kiểu bố trí dãy người ngồi xem đấu bò trên tấm khóa thắt lưng thuộc văn hóa Điền phát hiện ở Thạch Trại Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Tuy vậy, đó là dãy gồm những cá thể đơn lẻ ngồi hai tay bó gối. Có thể thấy cách tạo hình "bện tay" là một đặc trưng nghệ thuật tạo hình Đông Sơn. Đặc trưng đó được thể hiện điêu luyện và rõ nét nhất trên chiếc khánh chuông nói trên.
Nghiêng về hướng tâm linh
Tìm hiểu sâu về chức năng của khánh chuông, tôi nghiêng về hướng tâm linh, tức nó là một hiện vật được sử dụng trong nghi lễ cầu cúng mang tính shaman giáo.
Việc tạo ra tiếng nhạc rung nhẹ trên dụng cụ, vũ khí không hẳn nhằm mục đích phô trương hay uy hiếp kẻ địch mà như để tạo ra thanh hiệu báo với thần linh, tổ tiên. Trong trường hợp đó, dãy người ngồi bện tay phía trên khánh có thể đại diện cho các thần linh, tổ tiên của cư dân Âu Lạc.
Trên một chiếc rìu thuộc sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội), ta bắt gặp hình một shaman tay cầm thần trượng, bên trên có một vật tương tự chức năng chiếc khánh có gắn những chuông nhạc nhỏ. Cũng như vậy, tôi cho rằng các vòng ốp chân tay có gắn nhạc thấy nhiều ở vùng Làng Vạc - cũng như một số dụng cụ dâng lễ như thố, thạp, nhĩ bôi, tấm đeo ngực… gắn chuông lục lạc - là đồ dùng cho lễ nghi tín ngưỡng truyền thống Âu Lạc hơn là chỉ đơn thuần dùng phô trương của quý tộc, thủ lĩnh.
"Có thể thấy cách tạo hình "bện tay" là một đặc trưng nghệ thuật tạo hình Đông Sơn. Đặc trưng đó được thể hiện điêu luyện và rõ nét nhất trên chiếc khánh chuông này" - TS Nguyễn Việt.
Tags