Mộ chôn trẻ em hiện nay ở Việt Nam có lẽ phát hiện đầu tiên ở địa điểm khảo cổ học Đền Đồi (Nghệ An), khoảng 3.500 - 3.800 năm trước.
Đó là mộ trẻ sơ sinh đặt trong các nồi đất chôn ngay trong bếp của gia đình. Lối chôn cất trẻ em trong nồi kéo dài hàng ngàn năm sau, đến cả thời Đông Sơn. Những nồi gốm chôn trẻ sơ sinh Đông Sơn đã thấy ở Hoằng Lý, Quỳ Chử (Thanh Hóa), Làng Vạc (Nghệ An)…
Trong đợt khai quật năm 1978 ở Quỳ Chử, ngoài nhóm mộ vò chôn trẻ sơ sinh còn thấy gần chục mộ trẻ trong khoảng 1-3 tuổi. Ở tuổi này, trẻ được chôn nằm ngửa trong 2 nồi gốm lớn úp miệng vào nhau. Trường hợp trẻ lớn hơn nữa, người xưa làm thủng đáy 2 cạnh nồi và đặt vào đó thêm 1, 2 nồi nữa. Đồ tùy táng đặt trong nồi bên xác các em.
Dưới đây, tôi xin kể chi tiết 4 trường hợp cụ thể do tôi và đồng nghiệp trực tiếp khai quật và nghiên cứu.
Trường hợp thứ nhất - Em nhỏ khoảng 1 tuổi chôn trong 2 nồi gốm ở Quỳ Chử (Thanh Hóa)
Mùa Xuân năm 1978, tôi và Phạm Đức Mạnh vào Quỳ Chử khai quật. Khi đó tôi đang từ Ban Khảo cổ Thời Kim khí của Viện Khảo cổ chuyển sang phụ trách Ban Trị sự, tạp chí Khảo cổ học. Tôi chọn Phạm Quốc Quân, Nguyễn Kim Dung và Phạm Đức Mạnh về nhóm cùng làm dưới quyền Tổng biên tập Phạm Huy Thông.
Quỳ Chử là một địa điểm đã được Đội khảo cổ phát hiện năm 1960. Năm 1976 tôi tiến hành đào một hố thăm dò 4x4m. Nhận thấy tầng văn hóa dày, di vật phong phú, tôi đề xuất khai quật và được giáo sư Phạm Huy Thông (Viện trưởng) chấp thuận. Dịp đó, giáo sư Diệp Đình Hoa cũng đưa nhóm sinh viên khảo cổ năm cuối của Trường Đại học Tổng hợp, trong đó có 2 sinh viên khảo cổ của Viện Đại học Sài Gòn là Bùi Chí Hoàng và Đặng Văn Thắng tham dự khai quật.
Chúng tôi mở 3 hố khai quật, mỗi hố 50m2. H1 do tôi phụ trách gặp 2 nồi mộ trẻ sơ sinh, hố H3 do giáo sư Diệp Đình Hoa phụ trách gặp 8 mộ vò trẻ nhỏ. Mộ em bé ký hiệu H3-M8 là mộ 4 nồi tạo quan tài, trong đó 2 nồi ở 2 đầu úp miệng vào trong, 2 nồi còn lại để ngửa ở giữa. Thành và trôn nồi được đập, bẻ tạo một khoảng trống đủ đặt xác em bé. Phần còn lại dùng để đậy sao cho dáng hình giống một dãy nồi gốm úp miệng vào nhau như còn nguyên vẹn.
Bộ hài cốt em bé trạc 1 tuổi nằm ngửa như đang ngủ bên trong 2 nồi gốm Đông Sơn lớn. Mỗi nồi gốm cao khoảng 40cm, rộng miệng cả vành loe khoảng 50cm. Dựa vào nồi gốm chúng tôi đã xếp mộ này trong khoảng thế kỷ 2-3 trước Công nguyên.
Trong khu mộ Quỳ Chử này cũng có trường hợp mộ chỉ có 2 nồi thì để lồng khít thành 1 "quan tài" gốm, vành miệng loe ra của một nồi phải bị bẻ gãy. 2 nồi để nằm nghiêng, xác em bé để nằm bên trong trong tư thế ngủ tự nhiên. Cha mẹ em chắc thuộc hạng trung lưu đã đeo cho em 2 vòng tay đồng mặt cắt hình chữ T và 2 vòng mặt cắt hình lòng máng.
Khu mộ nồi dành cho trẻ em sơ sinh thì chôn ngay trong bếp mỗi gia đình. Khu mộ nồi trẻ em mà chúng tôi đang kể đến dùng chôn trẻ nhỏ trong khoảng 1 -3 tuổi được chôn thành một khu riêng, cách khu mộ người lớn chừng 50m. Những trẻ lớn 4 - 5 tuổi trở lên lại được chôn cùng khu người lớn trong các quan tài thân cây khoét rỗng hoặc quấn mành vỏ cây.
Trường hợp thứ hai: Em nhỏ 4-5 tuổi chôn trong thạp đồng bảo vật quốc gia ở Hợp Minh (Yên Bái)
Ở một số khu vựclõi của quý tộc Đông Sơn - Tây Âu vùng Yên Bái, Lào Cai lại phát hiện một số trường hợp hài cốt người lớn và cả trẻ em chôn trong những đồ đồng lớn và quý giá như trống, thạp. Mộ của em nhỏ 4 - 5 tuổi trong thạp Hợp Minh là một ví dụ tiêu biểu.
Khi đặt xác em bé này vào thạp, thân thể em được cuộn một lớp vải liệm và lớp cói mượt vẫn còn in lại bên trong thạp. Ngoài chiếc thạp đồng có sức chứa 40dm3 vẫn còn nguyên cả nắp và nhiều hình trang trí cao cấp bên ngoài, đồ tùy táng Đông Sơn kèm theo chứng tỏ em con nhà rất khá giả: 1 dao găm đồng, 1 phần mâm đĩa chân cao, 1 rìu đồng và 1 chiếc vòng đeo tai có xẻ rãnh và có 4 mấu làm bằng đá ngọc nephtite. Dựa vào quan tài thạp và tùy táng, niên đại ngôi mộ được xếp vào thế kỷ 3 trước Công nguyên.
Mộ em bé chôn trong thạp đồng Hợp Minh tìm được ngẫu nhiên trên sườn một quả đồi nhìn xuống dòng sông Hồng, nơi hiện nay gần chiếc cầu lớn ở thành phố Yên Bái, thuộc phường Hợp Minh của thành phố. Cho đến nay chưa thấy mộ khác ở đây, nhưng ngược lên phía trên không xa, cũng sát bờ sông, chính là khu Đào Thịnh mộ chứa nhiều đồ đồng quý. Trong đó nổi tiếng là mộ thạp đồng Đào Thịnh, cũng được xếp hạng bảo vật quốc gia. Mộ thạp Đào Thịnh chôn xác người lớn trong chiếc thạp có sức chứa 200dm3.
Do khuôn khổ trang in tôi tạm dừng câu chuyện về mộ táng các em nhỏ trong phần thứ nhất ở đây. Trong tuần tới tôi sẽ kể thêm về 2 trường hợp khác nữa rất đáng chú ý trong việc hình dung ra các em nhỏ Đông Sơn trong cuộc sống hàng ngày cũng như cả khi các em đi vào thế giới của tổ tiên. Đó là trường hợp thứ 3 - một em nhỏ khoảng 8 tuổi chôn trong quan tài gỗ quế có nhà mồ che chở ở Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) - và trường hợp thứ 4 về em nhỏ khoảng 6 tuổi, đầu gối trên chậu đồng 2 tai đeo 5 vòng đá quý, chôn cùng cha mẹ ở Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
"Kiểu chôn trẻ trong vò gốm khá phổ biến và dùng cho trẻ em gia đình nghèo hoặc trung lưu. Đồ tùy táng đồng thường thấy là vũ khí (rìu, giáo, dao găm), vòng đeo tay, lục lạc…Trẻ em con nhà quyền quý được chôn cất trong những đồ đồng quý (trống, thạp, thố) hoặc trong những quan tài gỗ quế có nhà mồ riêng biệt, hoặc đặt cạnh cha mẹ mình trong những trường hợp chết cùng cha mẹ"- TS Nguyễn Việt.
Tags