Trong nhiều thảo luận về lịch sử trang sức trong và ngoài nước, từ 1978, tôi luôn chủ trương rằng các thầy cúng trong các xã hội nguyên thủy luôn là đối tượng được trang sức đầu tiên. Mục đích chưa phải tạo hình thẩm mỹ mà là để khác với đồng loại và gần giống để có thể tiếp cận với thế giới thần thánh, ma quỷ theo trí tưởng tượng của họ.
Về hình thức, trang sức thầy cúng thường là: bôi mầu, cắm lông chim trên đầu, mặt và thân thể, đeo các vật lạ như răng nanh thú (hổ báo, gấu…), vòng đá, sừng, ngà voi trên cổ, tai, mũi và chân tay.
Từ chuỗi dây đeo cổ trong mộ táng trẻ em…
Về bản năng động vật, trang trí là cách làm đẹp và tạo dáng gây uy cho con đực. Trong xã hội nguyên thủy, đối tượng trang sức đầu tiên được nhắm vào là thầy cúng và thủ lĩnh. Một số trường hợp hiếm hoi phát hiện mộ trẻ em, thiếu nữ được trang sức lộng lẫy, có thể nghĩ rằng họ là một thành phần của nghi lễ nào đó, thường là vật dâng, hiến tế thần linh. Trang sức nhằm mục đích thể hiện sự quý phái, thang bậc xã hội dành cho cả phụ nữ và trẻ em chỉ xuất hiện vào thời tiền sử muộn, tương ứng như văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.
Câu chuyện tôi muốn kể hôm nay là quá trình gặp gỡ và nhận chân hiện tượng Shaman (thầy cúng) thông qua khảo cổ học và qua các sưu tập đồ đồng Đông Sơn.
Năm 1978, tôi thực hiện cuộc khai quật tại làng cổ trên 3.000 năm và khu mộ táng của làng ngay sát cạnh. Đó là di tích Quỳ Chử (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Khu mộ táng có khoảng 40 mộ còn nguyên xương cốt và đồ tùy táng. Mộ sớm nhất khoảng trên dưới 3.000 năm, thuộc giai đoạn Gò Mun/Quỳ Chử - tiền Đông Sơn, mộ muộn nhất thuộc thời kỳ Đông Sơn muộn trên dưới 2.000 năm.
Ngôi mộ liên quan đến câu chuyện kể hôm nay là ngôi mộ ký hiệu M18. Đó là mộ của một cá thể chỉ cao khoảng 125cm với hộp so to gần bằng hộp sọ người lớn nhưng xương chân tay rất nhỏ. Dựa vào độ mòn răng và cấu trúc xương chi, có thể nhận thấy đây là một trẻ vị thành niên tàn tật.
Đồ chôn theo em bé này là một vò gốm đặt bên cạnh thái dương bên phải, một gốm nồi úp ở phía trên đầu bên trái, tay phải cầm một viên cuội mài nhẵn hình thon dài như một hạt xoài. Đáng chú ý nhất là một chuỗi dây đeo cổ gồm 14 hình răng nanh thú làm từ xương thú. Những đồ gốm chôn theo giúp xác nhận niên đại ngôi mộ vào khoảng 2500 - 2600 năm cách ngày nay.
Đây là hiện tượng hiếm hoi trong hàng ngàn ngôi mộ Đông Sơn đã được khai quật có đeo vòng chuỗi hình răng nanh thú như vậy. Trong xã hội đương thời, một trẻ tật nguyền như em chỉ có thể sống được nhờ một khả năng tâm linh đặc biệt - mà chiếc vòng chuỗi răng nanh thú đeo trên cổ em là một bằng chứng. Nếu ở giai đoạn sớm Đông Sơn, bằng chứng shaman (thầy cúng) còn mờ nhạt thì ở thời kỳ đỉnh cao của văn hóa này, khi đồ đồng lễ nghi phát triển cực thịnh (khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên), chúng ta bắt gặp khá nhiều bằng chứng sinh động về shaman. Đó là những hình ảnh thực hành nghi lễ thờ cúng, đồ dùng cho thờ cúng…
Đến hình trang trí trên các đồ đồng Đông Sơn
Hình ảnh Shaman được thể hiện rõ nét nhất là ở trên các ô trang trí thân một trống đồng Đông Sơn thuộc sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội). Tại đây, giữa khung cảnh những người thực hành nghi lễ dựng cột, đâm trâu… xuất hiện một dàn nghi lễ gồm hai người cầm quạt nhảy múa, thổi khèn trên lưng voi và một quản tượng điều khiển voi. Theo sau là một người đội trống đồng. Tất cả đều mặc lễ phục cắm lông chim. Người cầm quạt đứng múa ở giữa chính là thầy cúng.
Hoạt cảnh tương tự bắt gặp trên chiếc rìu chiến thuộc sưu tập bảo tàng tiền sử Kim Bôi, Hòa Bình: Một đoàn hai voi, con đi trước chỉ có quản tượng, con đi sau mang trên lưng voi ngoài quản tượng phía đầu vởi giữa là một người đứng múa với một vật như muôi múc nước trên tay, phía đuôi voi là một người thổi khèn.
Trên một trống đồng khác thuộc sưu tập CQK (California, Mỹ) chúng tôi cũng bắt gặp một người thày cúng đứng trên lưng bò… Nhiều nhà nghiên cứu đã gợi ý đoàn người cầm vũ khí nhảy múa theo tiếng khèn trước sân nhà sàn nghi lễ trên các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, thạp Hợp Minh, trống ở Bảo tàng Guimet, Pháp (còn gọi là trống Sông Đà) và trống tại bảo tàng ở Wien, Áo (còn gọi là trống Gilet hay Khai Hóa)… là nghi lễ shaman. Thực ra đó chỉ là một phần của nghi lễ shaman Đông Sơn mà thôi. Thầy cúng ngồi hành lễ trong nhà sàn với dàn trống lớn gõ nhịp, người thổi khèn và người dâng rượu.
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là một dụng cụ bằng đồng dùng để dâng lễ của thầy cúng. Đó là chiếc cốc có hai tay cầm kéo dài ra, ở dưới đáy được mô tả trong hầu hết mọi trường hợp ở trong gian nhà sàn dâng lễ. Trên cán tượng một dao găm đồng Đông Sơn thuộc sưu tập của nhà hàng Trống Đông Sơn (Hà Nội) có hình hai thanh niên cùng nâng một cốc như vậy. Ở một tấm đeo ngực bằng đồng thời Đông Sơn có trang trí một đoàn người dâng lễ, trong đó có người đang nâng loại cốc này bên cạnh một nguời cầm muôi đồng múc rượu…
Và các đồ hành lễ của thầy cúng
Trong báo cáo trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế về Shaman giáo tổ chức tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam năm 2017, chúng tôi đã chính thức công bố loại cốc này như một vật chuyên dùng của thầy cúng thời Đông Sơn. Ngôi mộ là một quan tài thân cây khoét rỗng khai quật ở xã Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh được chôn theo một chiếc cốc như vậy.
Chủ nhân ngôi mộ có thể là một thầy cúng đương thời. Cùng với chiếc cốc dâng lễ có hai tay đỡ kéo dài, đồ tùy táng trong mộ còn có thêm một đai đồng đeo đầu có móc như vành vương miện. Những cốc lễ nghi này thường trang trí hoa văn sóng nước đẹp ở hai tay cầm và băng vạch đơn giản ở trên thân cốc.
Cho đến nay, tôi đã có điều kiện nghiên cứu 7 chiếc cốc lễ nghi như vậy. Chúng đều rất giống nhau. Tuy nhiên, chiếc cốc mới phát hiện gần đây thuộc sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM) là một trong số nguyên vẹn và hoàn chỉnh nhất ở chỗ vẫn còn giữ được 4 móc vành khuyên ở hai đầu tay cầm, nơi móc bốn nhạc chuông nhỏ tạo tiếng va chạm kim loại nhỏ nhẹ nhưng linh thiêng khi hành lễ. Đáng tiếc là bốn nhạc chuông đã mất, nhưng quai móc bị mòn vẹt phía dưới vẫn còn nguyên vẹn.
Chiếc cốc đồng dâng lễ thuộc sưu tập họ Mai nói trên rất giống các cốc còn lại ở dáng hình trụ hơi loe nơi rìa miệng. Đường kính miệng cốc khoảng 8cm, gần bằng chiều cao của thân cốc. Dưới đáy cốc có hai tai kéo dài sang hai bên khoảng 15,16 cm, hơi cong lên như cánh chuồn trên mũ quan văn thời xưa. Ở đoạn cong tạo thế tay đỡ xuất hiện mỗi bên hai móc khuyên để treo đôi nhạc nhỏ. Phần bản tay cầm trang trí trổ lỗ hai băng hoa văn hình chữ S nằm cách điệu.
Với chiếc cốc này, ta hình dung thầy cúng hai tay nâng hai đầu tay cầm của cốc đựng nước hay rượu hoặc máu hiến tế thần linh, bước chậm rãi kính cẩn trong tiếc nhạc rung do va chạm nhẹ của hai đôi chuông nhỏ trên hai đầu cốc dâng lễ. Một lần nữa chúng ta bắt gặp cách gắn những chuông nhỏ trên các đồ vật hành lễ của shaman thời Đông Sơn. Cũng ngày này tuần trước trên cùng chuyên mục, tôi vừa giới thiệu chiếc khánh đồng Đông Sơn có dãy tượng người ngồi bá vai nhau gắn năm chuông nhỏ cũng là một dụng cụ hành lễ của shaman.
"Trong xã hội nguyên thủy, đối tượng trang sức đầu tiên được nhắm vào là thầy cúng và thủ lĩnh. Một số trường hợp hiếm hoi phát hiện mộ trẻ em, thiếu nữ được trang sức lộng lẫy, có thể nghĩ rằng họ là một thành phần của nghi lễ nào đó, thường là vật dâng, hiến tế thần linh" - TS Nguyễn Việt.
Tags