Tôi đã kết thúc 5 bài phần nói khái quát về tình trạng xương cốt người trong chuyên mục "Thế giới người lớn Đông Sơn". Khi chuẩn bị sang mô tả, phân tích thế giới người lớn Đông Sơn trong "tư duy mô tả ảo", dựa vào hàng ngàn tiêu bản hình khắc 2D và tượng đúc 3D Đông Sơn, thì có một bạn đọc nhắn hỏi: Thời Đông Sơn là nam quyền hay nữ quyền?
1. Câu hỏi này liên quan đến lĩnh vực học thuật phụ hệ và mẫu hệ, nhưng có khác nhau chút ít. Đôi khi phụ hệ mà vẫn có nữ quyền và mẫu hệ vẫn phổ biến nam quyền. Vì vậy, chiều ý bạn cũng là điều tôi thích làm. Hơn thế nữa, đây lại là một lời giải đáp cũng chín muồi và không phải là sai nhịp, khi tuần trước tôi vừa viết về những bộ xương nam, nữ với chủ đề: "Không phải nam lúc nào cũng cao hơn nữ! Thời Đông Sơn cũng vậy"…
Phụ hệ (patrilineality) và mẫu hệ (matrilineality) là hai khái niệm về dòng con cái tính theo cha hay mẹ. Do xã hội loài người trải qua thời gian khá dài trong tình trạng săn bắt hái lượm, hôn phối bầy đàn, đứa trẻ sinh ra chỉ biết mẹ (người sinh và nuôi dưỡng) chứ không biết chắc cha của mình.
Tàn dư này đôi khi đọng lại ở những xã hội phát triển sau này, khi hôn nhân diễn ra giữa một lứa chị em của thi tộc với một lứa anh em của thị tộc khác, hoặc những chàng trai của các thị tộc khác về làm chồng, ở rể của chị em một gia đình thị tộc lớn. Khi đó, những đứa trẻ sinh ra vẫn theo dòng mẹ. Trong nghiên cứu nhân học, nhân văn xuất hiện khái niệm cộng đồng theo dòng mẹ (mẫu hệ).
Phụ hệ xuất hiện muộn hơn, gắn với xã hội trồng trọt chăn nuôi, phổ biến là thời đại đá mới - khi xã hội đảm bảo người đàn ông luôn là chủ mỗi gia đình và có đủ điều kiện xác nhận dòng con của mình. Quyền lực trong mỗi cộng đồng xã hội lại là chuyện khác với hệ dòng huyết thống, mặc dù trong thực tế thường gắn với nhau. Quyền lực xã hội thuộc về kẻ mạnh, nhóm mạnh.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu hiện tượng nữ quyền Đông Sơn thể hiện trong nghệ thuật trang trí, tín ngưỡng và phần nào trong thư tịch ghi chép ở giai đoạn cuối về khởi nghĩa Bà Trưng, Bà Triệu, ta cũng có thể ghi nhận dấu vết còn khá đậm nét của nữ hệ, nữ quyền trong giai đoạn lịch sử này.
"Nhóm tượng cán dao găm loại hình Quả Cảm có biến tấu đặc biệt với hình tượng thủ lĩnh nam mang rìu chiến, dao găm và thậm chí cả đầu lâu chiến lợi phẩm sau lưng" - TS Nguyễn Việt.
2. Có lẽ tư liệu giúp bàn về vấn đề này tốt nhất là các tượng người trên cán dao găm Đông Sơn và các hình khắc trên chuôi qua đồng, cán dao găm đồng.
Một trong số hiện tượng độc đáo nhất của đồ đồng Đông Sơn là sự tồn tại những con dao găm có đúc tượng người làm chuôi cầm. Nghiên cứu loại hình di vật đồng Đông Sơn có thể dễ dàng nhận ra hai loại hình chính của dao găm đồng.
Loại hình phía bắc gồm những dao găm gần với dạng Vân Nam (Trung Quốc): Lưỡi hình tam giác hai cạnh thẳng hoặc gấp khúc nhẹ, có sống ở giữa, trang trí hai bên cánh lưỡi. Chắn tay ngăn giữa lưỡi và cán là một đường thẳng dẹt, trên đó cũng có hoa văn hình học, tạo với tay cầm thành một hình chữ T. Đốc tay cầm để trơn hoặc đôi khi có một tấm đồng dẹt hình thoi bịt lỗ ống tay cầm. Trên phần thân tay cầm có hình trang trí kỷ hà tinh tế lấy trọng tâm là hình một người dạng như nhái bén dang tay, dạng chân. Dạng dao găm này tập trung ở vùng thượng nguồn sông Hồng, Đà, Lô, Chảy, Mã, Chu, Hiếu…
Những tượng người giúp cho nhận thức về chủ đề nam quyền, nữ quyền thuộc loại dao găm lưỡi hình lá tre, hiếm khi có gờ giữa lưỡi và ít trang trí trên lưỡi. Chắn tay hẹp, đặc trưng bởi hai đầu vuốt nhọn xoắn thành hình như ngọn su su hay dương sỉ.
Phần tay cầm có ba cách thể hiện: Kiểu thứ nhất phổ biến và đơn giản nhất trông như một thỏi đồng mặt cắt hình bầu dục rộng 1,5 x 1 cm, có đốc xòe ra như hình chữ T ngược, trên phần đốc này đôi khi có đúc trang trí thêm hình người, thú nhỏ.
Kiểu thứ hai chỉ khác kiểu thứ nhất ở chỗ phần đốc phía dưới phình ra như một củ hành rỗng, một số trên đó trổ lỗ rất tinh xảo. Cũng có một số chiếc có đúc thêm tượng người ôm chim ở đốc.
Kiểu thứ ba, đáng chú ý nhất là các kiểu tượng người cả nam lẫn nữ, đều trang sức quý phái ở tư thế đứng chống nạnh hai tay tạo thành điểm tựa cho tay cầm người sử dụng. Các tượng này khá đa dạng, nhưng cũng có thể gộp thành hai phong cách tượng nam và hai phong cách tượng nữ điển hình, ngoài ra là các tượng cá biệt khác. Rất đáng chú ý là tượng cán nam phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ trong khi tượng nữ tập trung hơn ở vùng Thanh Nghệ.
Hai kiểu tượng cán dao găm hình nam được tôi đặt tên là phong cách Tràng Kênh và phong cách Quả Cảm, dựa vào những hiện vật phát hiện trong các cuộc khai quật điền dã khảo cổ học. Hai phong cách đều thống nhất ở lối ăn mặc ở trần, đóng khố ngắn, tóc tết bím đôi, trán có đai hoặc buộc khăn. Tay và tai đeo vòng trang sức. Tượng Tràng Kênh thường cao hơn, trượng Quả Cảm thấp hơn và rất dễ nhận ra ở cụm nhiều vòng tai bên trái. Nhóm tượng cán dao găm loại hình Quả Cảm có biến tấu đặc biệt với hình tượng thủ lĩnh nam mang rìu chiến, dao găm và thậm chí cả đầu lâu chiến lợi phẩm sau lưng. Loại hình dao găm cán Quả Cảm phân bố xa nhất, tận Hồ Nam (Trung Quốc), trong một ngôi mộ thời Chiến Quốc.
Hai kiểu tượng nữ đều mặc váy che kín thân, thắt lưng thả tận mắt cá. Thường đeo vòng cổ, vòng tai đơn giản. Khác nhau ở cách vấn tóc: Vấn tròn quanh đầu và búi bồng như chỏm tháp nhọn. Dạng cán dao găm tượng nữ có tóc búi bổng chỏm tháp thường được đầu tư trang trí nhiều hơn. Phía sau gáy có móc vòng khuyên treo nhạc chuông nhỏ. Có tượng nữ tay cầm rìu chiến, tượng ngồi trên vai hầu nữ, tượng đôi ngồi xổm trên lưng voi, tượng mẹ cạo tóc cho con…
3. Tôi đã viết loạt bài về những tượng cán dao găm đăng cách đây gần chục năm trên tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật của Viện Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Theo đó có thể dễ dàng nhận ra những tượng này gắn với hình ảnh các thủ lĩnh cộng đồng hơn là tượng thần thánh.
Tượng nam phổ biến ở phía bắc vào thời Đông Sơn gắn với xã hội phụ hệ và chế độ phụ quyền đã trở nên ưu thế bên cạnh tàn dư mẫu hệ, mẫu quyền thể hiện trong việc nắm quyền của 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ và khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng như hệ thống các đền thờ nữ tướng đương thời. Tượng cán dao găm nữ lại tập trung ở phía nam của địa bàn phân bố văn hóa Đông Sơn, tức các vùng lưu vực sông Mã/Chu (Thanh Hóa) và thượng lưu sông Hiếu/Cả (Nghệ An) với kiểu nữ chúa tóc bồng Núi Nưa thấy nhiều ở Sông Mã/Chu và nữ tóc vấn thấy nhiều ở vùng Làng Vạc (Sông Hiếu).
"Dư ảnh" của khởi nghĩa Triệu Quốc Đạt với vai trò vượt trội hơn của em gái Triệu Thị Trinh và hệ thống đền thờ Bà Triệu cho thấy ít ra đến tận thế kỷ 3 sau Công nguyên, nữ quyền vẫn còn rất đậm nét ở Xứ Thanh trở vào trong. Tượng trên cán dao/kiếm ngắn kiểu Núi Nưa phát hiện được khá nhiều với đặc trưng thống nhất một nữ chúa tóc bồng hình chỏm tháp nhọn, có đai trán rộng bản làm lộ ra khuôn mặt trái xoan có đôi mắt to, mũi thẳng.
Hai thanh kiếm ngắn phát hiện ở núi Nưa (Thanh Hóa) cũng như ba bốn chiếc vớt dưới sông sau này đều thể hiện hình tượng nữ chúa mặc váy kín thân, trên có hoa văn thêu, tai và tay đều đeo vòng lớn, cổ đeo nhiều hàng vòng chuỗi như những vòng chuỗi hạt thủy tinh, mã não tìm được nhiều trong mộ táng Đông Sơn. Phần eo của nữ chúa đều có một thắt lưng có búi hình quả thị thả đến mắt cá chân ở cả phía trước lẫn phía sau. Tuân thủ quy tắc chung của cán dao găm, hai tay nữ chúa cong chống nạnh ngang hông, tạo thành hai cung tròn hình tim làm chỗ tựa tay cầm cho chủ nhân thanh kiếm. Duy nhất một chiếc, tôi chứng kiến khi làm giám định cho sưu tập Đông Sơn của Gallery Hioco (Paris), là tượng nữ chúa kiểu Núi Nưa có vác trên vai một chiếc rìu chiến.
Có lẽ bài cũng đã dài. Tôi sẽ trở lại đề tài này vào dịp thứ Năm tuần tới.
Những tượng đôi đặc biệt
Tượng nữ chúa trên cán dao găm còn được thể hiện trên hai phong cách tượng đôi rất đặc biệt: Nữ chúa ngồi trên vai của một hầu nữ khác. Bảo tàng Babier-Mueller tại Geneva sở hữu một tượng như vậy. Sau đó phòng trưng bày của Nhà hàng Trống đồng Đông Sơn ở phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có một tượng cùng kiểu nữ chúa ngồi trên vai như vậy. Nhưng theo tôi, tượng này còn đẹp hơn tượng của bảo tàng Geneva. Tượng nữ chúa ngồi trên vai người hầu của sưu tập Gussenmayer (Ghent, Bỉ) còn độc đáo ở con rắn dưới chân người hầu… Rải rác ở các sưu tập tư nhân khác cũng có những cán dao găm cùng phong cách, chứng tỏ đây là biểu trưng nữ quyền khá phổ biến đương thời.
Một kiểu tượng đôi như hai nữ chúa song sinh ngồi xổm trên lưng voi cũng là một phong cách khá phổ biến đương thời. Cho đến nay tôi đã có điều kiện chứng kiến 4 dao găm có hình tượng như vậy. Từ 2008, trong một bài viết trên Nghiên cứu Mỹ thuật, tôi đã từng liên tưởng hình tượng đó với hai chị em Bà Trưng.
(Còn tiếp)
Tags