Từ câu chuyện về cuộc đời và tình yêu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên- vốn được nhận định là đẹp hơn cả tiểu thuyết -nhạc sĩ Nguyễn Quang đã có vô vàn ý tưởng dành cho đêm nhạc Mắt biếc tôn vinh tác giả vào tối 12/8 tới.
Nằm trong chuỗi chương trình tôn vinh tác giả tác phẩm Vàng son một thuở, đêm nhạc Mắt biếc kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và gắn với những bản nhạc được nhiều thế hệ yêu thích như Niệm khúc cuối, Bản tình cuối, Chiều nay không có em, Áo lụa Hà Đông, Giọt nước mắt ngà, Mắt biếc, Giáng ngọc, Tuổi 13, Mùa Thu cho em, Bản tình ca cho em, Riêng một góc trời.
Đặc biệt, dưới bàn tay của tổng đạo diễn - nhạc sĩ Nguyễn Quang - các tác phẩm sẽ có sự kết nối chặt chẽ về mạch cảm xúc để được dàn dựng thành một hồi ký âm nhạc, với những hình thức và phong cách thể hiện chưa từng gặp.
Một đêm nhạc "hiếm" sao
Mắt biếc kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên là một chương trình quy tụ khá nhiều các ca sĩ, ở các thế hệ, lứa tuổi, màu giọng khác nhau. Nhưng ngoài danh ca Elvis Phương hay "Sao Mai" Việt Anh thì các nghệ sĩ trẻ còn lại, được xem là không mấy tên tuổi trên thị trường nhạc hiện nay.
Có thể kể đến ca sĩ Phương Phương Thảo, Huy Quyết hay những giọng ca được giới audiophile (những người đam mê âm thanh) Hà Nội yêu mến như: Tuấn Anh, Trần Tuấn Hòa, Diệu Thúy, Phương Anh, Bách Nguyễn, Ngọc Châm cùng những giọng ca trẻ như: Trí Anh, Ngân Thùy, Nhật Trường.
Đây được xem là một "cái sự liều" của nhà tổ chức vì thông thường, những chương trình ca nhạc hiện nay bán vé được là nhờ có các gương mặt "sao, số". Việc chỉ có duy nhất cây đa cây đề như Elvis Phương bên cạnh các giọng ca trẻ, chưa "nổi đình nổi đám" trong làng nhạc ở Mắt biếc sẽ là một áp lực không hề nhỏ để tổng giám đốc chương trình như nhạc sĩ Nguyễn Quang hay nhà sản xuất - ca sĩ Ngọc Châm phải nghĩ "chiêu".
Lý giải cho sự lựa chọn này, nhạc sĩ Nguyễn Quang cho hay: Những chương trình không hoặc có ít các ngôi sao danh tiếng, đúng là một thử thách không hề nhỏ đối với người "đứng mũi chịu sào" như anh. Tuy nhiên, "nếu chương trình đã có ngôi sao rồi thì nhà sản xuất còn cần gì đầu tư vào sao nữa? Họ đã trưởng thành rồi mà!
"Cách đây vài tháng, tôi thực hiện chương trình Giấc mơ Trịnh và cũng nhận được câu hỏi kiểu như: Tại sao không mời ca sĩ A? Ngôi sao B sao không vào chương trình? Tôi nghĩ nếu các chương trình tổ chức ra mà cứ mãi dành cho những tên tuổi như vậy thì sẽ không thể có cơ hội dành cho các nghệ sĩ trẻ" - Nguyễn Quang chia sẻ - "Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ có đầy đủ tố chất, giọng hát, học hành bài bản nhưng chỉ thiếu những sân khấu lớn, chỉn chu để phát triển. Những cơ hội được đứng trên sân khấu lớn với họ không nhiều. Nếu không mở rộng vòng tay đến họ thì bao lâu nữa chúng ta mới có một ngôi sao xuất hiện?".
Nhạc sĩ kiêm tổng đạo diễn này cho biết thêm: "Khi làm việc với người trẻ, tôi thấy ở họ tình cảm, niềm tin dành cho âm nhạc. Tất nhiên, họ còn thiếu kinh nghiệm. Và đó là lý do cũng cần có những người đi trước như Elvis Phương có mặt trong chương trình để các bạn trẻ vừa được nâng đỡ, vừa được học hỏi".
"Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là bạn thân của bố tôi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Tôi có nhiều kỷ niệm với chú từ nhỏ.Sau này, khi qua Mỹ, tôi gửi thư hỏi địa chỉ để 2 bố con ghé thăm. Chú thư lại: "Bố cháu còn nhớ đến chú là chú cảm động nhưng không cần đến thăm, không cần liên lạc". Chú cũng không dùng điện thoại để bố tôi có thể gọi nói chuyện" - nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Một đời viết nhạc vì yêu
Trong làng nhạc, Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ hiếm gặp khi chỉ gắn bó cuộc đời mình với dòng nhạc tình ca. Nhạc sĩ từng lý giải về sự lựa chọn chủ đề này với một lý do thật giản dị là "vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác".
Cũng hiếm hơn nữa, các sáng tác của ông đều xuất phát từ cảm hứng duy nhất: Bóng hồng trong trái tim mình, bà Đoàn Thanh Vân- vợ ông.
Cả 2 vợ chồng ông đã có một mối tình đậm sâu, xuyên biên giới, có chia ly và hội ngộ. Trong những năm tháng xa nhớ người thương, Ngô Thụy Miên đã viết về nỗi lòng mình thành những bản tình ca như: Ở nơi nào em có nhớ, Bản tình cuối, Dấu tình sầu… Ngay cả thời điểm sang Mỹ, sống một mình, nhạc sĩ của những bản tình ca đã sáng tác chuỗi ca khúc với nội dung: "Anh ở đây một mình, còn em ở nơi đó có nhớ đến không?", bày tỏ nỗi lòng dành cho tình yêu duy nhất của mình.
Sau 30 năm cách biệt, khi gặp lại nhau cách đây 20 năm, tình yêu giữa 2 người vẫn nguyên vẹn. Cả 2 đoàn tụ và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mãn nguyện đến độ không còn cảm xúc và gác bút. "Cô ấy ở đây rồi, còn gì nữa đâu mà tiếc nuối. Cô ấy là số 1 âm nhạc là số 2" - nhạc sĩ Nguyễn Quang nhớ lại lời nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chia sẻ.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Quang, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chọn cuộc sống "ẩn dật", rời xa cộng đồng cách đây khá lâu. Ngoài thư điện tử, ông cũng hạn chế liên lạc với mọi người nên đến một chiếc điện thoại cầm tay hay điện thoại bàn cũng không có.
"Cách đây 8 năm, chú đã không sinh hoạt cộng đồng, không sáng tác. Chú sống ở nơi hẻo lánh như vùng núi và không liên lạc với mọi người. Nhưng trong những lần thư từ, tôi chưa bao giờ thấy chú than mệt mỏi" - nhạc sĩ Nguyễn Quang kể.
Vài nét về nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, lớn lên tại TP.HCM, bắt đầu viết nhạc từ khi 15 tuổi. Năm 1965, ông viết ca khúc Chiều nay không có em- tác phẩm đánh dấu tình yêu từ thuở ban đầu chưa nói lời yêu của mình. Và 20 năm sau, ông viết Riêng một góc trời đã tạo nên một "Miên khúc" trong âm nhạc Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác, ngoài bóng hồng là người vợ tào khang Đoàn Thanh Vân, thơ của Nguyên Sa cũng chiếm một phần không nhỏ để làm nên những bản tình ca của Ngô Thụy Miên. Tác giả từng tiết lộ: "Trong 4 thập niên viết nhạc của mình thì thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi".
Tags