(Thethaovanhoa.vn) - Toàn bộ khán giả tại Nhà hát TP.HCM đêm 18/11 đã đứng dậy khi nghệ sĩ vĩ cầm Vasko Vassilev và dàn nhạc giao hưởng chơi lại bản disco một thời được yêu thích và càng được yêu thích hơn khi xuất hiện trong bộ phim Kungfu Panda - ca khúc Kungfu Fighting…
Đó cũng là tiết mục gần cuối chương trình và từ đó trở đi, khá giả chẳng ai chịu ngồi xuống.
Khán giả hứng thú với nhạc phim
Sự hấp dẫn của những tác phẩm nhạc phim là một bất ngờ thú vị trong đêm nhạc Toyota Classics 2014 tại TP.HCM. Dù những tác phẩm của Mozart, Rachmaninov được chơi đầy đẳng cấp qua tiếng đàn của Pamela Tan Nicholson hay tiếng sáo của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Ly Hương, nhưng dấu ấn của đêm hòa nhạc vẫn là những bản nhạc phim.
Sự thú vị của bộ đôi nghệ sĩ Pamela Tan Nicholson - Vasko Vassilev cùng nhạc trưởng Miguel Angel Navarro và dàn nhạc Covent Garden Soloists là họ trở thành một khối thống nhất. Họ liền mạch trong không gian sáng tạo, bay bổng trong những chuyển thể mượt mà trong việc biểu diễn những tác phẩm nhạc phim.
Khán giả không khỏi bất ngờ khi những giai điệu quen thuộc đến nằm lòng của những bài nhạc phim như Love Story, Chi Mai, The Good, The Bad & The Ugly, The Godfather, Mission Impossible… được “cấu trúc” lại trong không gian giao hưởng vẫn có thể làm xao xuyến người nghe. Cảm giác quen thuộc được quên đi để “lạc” vào vùng đất mới. Những hợp âm rải nhắc đi nhắc lại của piano, những “miết mải” của violin dù không làm phức tạp về cấu trúc nhưng lại nặng sức ám ảnh. Sự xuất hiện của dàn nhạc cùng chiếc đũa của nhạc trưởng Miguel Angel Navarro càng làm đậm thêm nét huyền bí ẩn sâu trong từng nốt nhạc.
Những khán giả cổ điển đã tán thưởng và những người vừa chạm vào cánh cửa này, cũng đã rất hứng thú.
Nhạc phim “cứu” giao hưởng
Nhìn vào thực đơn của Toyota Classics năm nay sẽ thấy rằng, người đầu bếp muốn gia giảm hàm lượng cổ điển để đưa thêm gia vị đương đại. Một thông điệp được ngầm đưa ra, tác phẩm cổ điển không còn được xem là “độc quyền” với dàn nhạc giao hưởng. Khi mà số đông quần chúng ngay từ bé đã quá quen với nhạc thị trường và họ tự giả định thế nào là âm nhạc, thế nào là âm thanh vang lên trong đầu họ thì giao hưởng, nếu không có phương cách tiếp cận gần gũi hơn, sẽ tiếp tục bị né tránh.
Những nhà nghiên cứu cũng đang chỉ ra rằng nhạc phim, với những tác giả nổi tiếng như Ennio Morricone, Francis Lai, Hans Zimmer, Nino Rota, James Horner, Howard Shore, John Williams… (những tác giả có tác phẩm trong Toyota Classics năm nay), có thể tương đồng đối với một số tác phẩm của những nhà soạn nhạc cổ điển trứ danh.
Tại Nhà hát Royal Albert Hall (London, Anh) phần nuôi sống nhà hát chính là những đêm nhạc mà dàn nhạc giao hưởng biểu diễn… nhạc phim. Vé xem những chương trình dạng này đã kín đến năm 2015.
Cũng cần phải nói thêm, các tác phẩm nhạc phim không phải lần đầu xuất hiện tại Việt Nam trong các đêm nhạc giao hưởng. Chương trình Giai điệu trẻ 2012, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã đem những bản nhạc phim nổi tiếng từ My Heart Will Go On, Yellow Submarine đến Conquest Of Paradise… để biểu diễn bằng dàn nhạc giao hưởng và đêm hôm ấy Nhà hát TP.HCM rất nhiều người phải đứng xem vì không có ghế ngồi.
Trước đó, chương trình Giai điệu mùa Thu 2012 cũng có phần biểu diễn giao hưởng nhạc phim để lôi kéo thêm công chúng trẻ. Ngay cả chương trình Toyota xuyên Việt năm 2009 Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng chơi khá nhiều tác phẩm nhạc điện ảnh để đến gần hơn với công chúng.
Những điều này không còn xa lạ với thế giới và ở Việt Nam cấp độ của nó ngày càng nhiều hơn. Nhưng đây là lần đầu tiên, một chương trình “đẳng cấp” như Toyota, đã dành một phần lớn cho nhạc phim, là một sự thay đổi lớn ở tư duy tổ chức.
Nhiều người cho rằng nhạc giao hưởng mang tính giá trị muôn thuở nhưng không nên trở thành một tinh phẩm được trưng bày ở bảo tàng với những tác phẩm cổ điển. Nhạc phim đang là cách gần gũi để đưa công chúng đến gần hơn với giao hưởng và đó cũng là một cách để giao hưởng tránh mắc kẹt trong truyền thống của chính mình.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags