Ngày 10/12, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong năm 2014, hơn 3.400 người di cư đã bỏ mạng ở Địa Trung Hải trong hành trình đến châu Âu. Tổ chức này kêu gọi các nước tăng cường hành động nhằm bảo vệ tính mạng của người di cư.
Theo UNHCR, tính từ tháng 1/2014, hơn 207.000 người di cư đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, gấp 3 lần con số kỷ lục 70.000 người của năm 2011, sau sự kiện gọi là "Mùa Xuân Arab" ở Libya. Trong tổng số 4.272 người di cư đã bỏ mạng trong hàng trình vượt biển trên toàn thế giới, có 3.419 người thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải. Hầu hết trong số này xuất phát từ Lybia để đến Italy và Malta tìm việc làm hoặc tị nạn.
UNHCR đưa ra các số liệu thống kê trên trước khi diễn ra cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa đại diện các quốc gia thành viên, các cơ quan LHQ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) do người đứng đầu UNHCR Antonio Guterres chủ trì ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách đảm bảo an toàn cho những người di cư.
Ngay trước cuộc họp, ông Guterres cảnh báo nhiều quốc gia hiện đang đề cao việc bảo vệ biên giới hơn bảo vệ tính mạng con người. Đây là một phản ứng sai lầm trong bối cảnh số người tị nạn chiến tranh đang tăng vọt. Theo ông Guterres, an ninh và quản lý người nhập cư là mối quan tâm của mọi quốc gia, nhưng việc xây dựng chính sách phải đảm bảo để không tổn hại đến sinh mạng con người. Ông nhấn mạnh không thể chặn đường thoát thân của người di cư mà phải giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách tìm hiểu lý do họ bỏ trốn, điều gì cản trở nỗ lực tị nạn của họ bằng những biện pháp an toàn hơn, song song với việc trấn áp các tổ chức tội phạm đưa người di cư trái phép.
Xung đột nổ ra ở Libya, Syria và Iraq là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tìm đến châu Âu. Ngoài Địa Trung Hải là tuyến đường biển nguy hiểm nhất đối với người di cư, trong năm nay, đã có ít nhất 242 người thiệt mạng ở Biển Đỏ và Vịnh Aden trong số 82.680 người di cư qua hành trình này, hầu hết xuất phát từ Ethiopia và Somali để tìm đường đến Yemen, Saudi Arabia hoặc các quốc gia Vùng Vịnh.
TTXVN
Tags