(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, Ban tổ chức K-League đã nhóm họp với 12 CLB chuyên nghiệp trước khi đi đến quyết định hoãn vô thời hạn giải đấu bóng đá số một của Hàn Quốc. Và những hệ lụy của dịch Covid-19 chưa dừng lại ở đó…
Hôm thứ Sáu, khi K-League mới tuyên bố hoãn trận mở màn giữa Daegu FC (nơi có giáo phái Shincheonji – tâm dịch) và Pohang Steelers, số người dính virus corona ở Hàn Quốc là 156 người (2 ca tử vong). Cho đến chiều hôm qua, con số này đã tăng lên tới 833 người (7 ca tử vong). Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc. Diễn biến của dịch Covid-19 tại xứ sở kim chi đang diễn biến cực khó lường.
K-League nối gót Chinese Super League
Với quyết định vừa rồi, K-League đã trở thành giải đấu bóng đá thứ hai bị hoãn vô thời hạn (tất nhiên, cả 6 hạng đấu dưới cũng vậy). Trước đó, giải nhà nghề Trung Quốc cũng đã bị phải lùi ngày khởi tranh và chưa rõ bao giờ có thể bắt đầu trở lại. Cũng vì dịch Covid-19 mà V-League của Việt Nam cũng phải lùi lại nửa tháng so với kế hoạch ban đầu.
Mặc dù K-League 1 chỉ có 12 đội, tuy nhiên, số vòng đấu của giải là không hề nhỏ, thậm chí còn nhiều gấp rưỡi so với V-League, vốn có 14 đội. Lý do nằm ở thể thức thi đấu đặc biệt của giải đấu này. Các đội sẽ thi đấu 3 lượt trận (33 vòng đấu) trước khi đấu play-off ở hai nửa bảng xếp hạng để xác định thứ hạng cuối cùng. Như vậy, tổng số vòng đấu mà các đội trải qua lên tới 38 – ngang với giải Ngoại hạng Anh. Năm ngoái, K-League 2019 kéo dài từ 1/3 đến 1/12/2019. Năm nay, giải dự kiến diễn ra từ 29/2 đến 29/11.
Chính vì thế, việc hoãn vô thời hạn K-League 1 sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn. Trong trường hợp chính phủ xử lý được dịch và giải đấu khởi tranh trở lại, các CLB cũng sẽ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc. Bên cạnh đó, việc giải đấu bị hoãn cũng gây ảnh hưởng lớn đến tài chính, bởi các nhà tài trợ có thể cắt giảm, thậm chí là rút kinh phí bởi thương hiệu của họ không được quảng bá.
Ngoài ra, cũng giống như giải nhà nghề Trung Quốc, K-League 1 cũng đối mặt với viễn cảnh các cầu thủ ngoại tìm cách đào thoát khỏi đây vì e ngại đại dịch Covid-19. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của giải đấu cũng như khả năng cạnh tranh của các đội bóng Hàn Quốc ở đấu trường châu lục.
Đội tuyển quốc gia lo lắng
Việc K-League 1 2020 bị hoãn vô thời hạn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tập trung của các đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Từ đầu năm đến giờ, chỉ có Jeonbuk Motors, Ulsan Hyundai, và FC Seoul là được thi đấu chính thức 1, 2 trận nhờ tham dự AFC Champions League. Các CLB khác thì đều đang tập chay chờ ngày giải VĐQG khai cuộc. Thực tế này khiến cho các tuyển thủ quốc gia ở các CLB thiếu cọ xát, làm nóng thực thụ.
Tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Hàn Quốc đang đứng thứ nhì bảng H, với 8 điểm sau 4 lượt trận. Họ xếp sau Turkmenistan (9 điểm), và chỉ hơn Lebanon, Triều Tiên về hiệu số bàn thắng bại. Xếp cuối bảng đấu này là Sri Lanka chưa có điểm nào. Ở lượt về, Hàn Quốc có 3 trận đấu trên sân nhà, và đây từng được xem là lợi thế lớn với thầy trò Paulo Bento, nhưng với tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát như thế này, nhiều khả năng các trận sân nhà của Hàn Quốc (gặp Turkmenistan vào ngày 26/3, gặp Triều Tiên ngày 4/6 và Lebanon ngày 9/6) sẽ phải diễn ra ở sân trung lập. Nguy cơ Hàn Quốc dừng bước ngay ở giai đoạn 2 là có thật.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến cả đội tuyển nữ Hàn Quốc chuẩn bị đá play-off dự Olympic 2020 với Trung Quốc. Theo lịch thi đấu ban đầu, trận lượt đi giữa hai đội sẽ diễn ra tại SVĐ Yongin Citizen Sports Park ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào ngày 6/3; còn trận lượt về sẽ diễn ra sau đó 5 ngày tại SVĐ Campbell Town, Australia do Trung Quốc không thể tổ chức trận đấu trên sân nhà. Hiện tại, LĐBĐ Hàn Quốc đã khẩn trương liên hệ với AFC để yêu cầu lùi thời điểm tổ chức trận đấu hoặc đổi sang địa điểm thi đấu khác.
Tóm lại, sau bóng đá Trung Quốc, giờ đến lượt bóng đá Hàn Quốc điêu đứng vì đại dịch Covid-19.
Tuấn Cương
Tags