(Thethaovanhoa.vn) - Khu di tích Lam Kinh trên đất Lam Sơn, Thanh Hoá nằm trong một khu vực rộng cả trăm héc ta, bốn bề rợp bóng cây xanh. Đến thăm nơi phát tích của nhà Hậu Lê, du khách có cảm giác bình yên, thanh thản.
- Di tích lịch sử Lam Kinh 'hút' khách du lịch
- Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
- Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Một không gian tĩnh lặng cho những hồi ức và suy tưởng về một thời huy hoàng của nước Đại Việt gắn với tên tuổi của người anh hùng Lê Lợi và đại thi hào Nguyễn Trãi; một vương triều mở đầu cho một thời kỳ kéo dài gần 360 năm với nhiều chiến công hiển hách và cả những thăng trầm lịch sử.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Kinh được xây dựng từ năm 1433 và hoàn thành vào năm 1449. Quy mô công trình được ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia...".
Điều đáng tiếc là với thời gian và những biến động lịch sử, các công trình kiến trúc xưa đến nay không còn nhiều. Từ năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh đã được xếp hạng cấp quốc gia. Nhờ công tác trùng tu tôn tạo, nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi, bảo vệ được nhiều di tích di vật cổ của thời kỳ lịch sử này.
Từ bên ngoài vào, chúng tôi qua cầu Bạch, cây cầu được làm bằng đá cuội ngang sông Ngọc bao quanh khu di tích. Ngay bên phải lối vào là giếng cổ có từ thời tổ tiên của dòng họ Lê đến Lam Kinh lập ấp, trải qua thời gian vẫn là nguồn nước cho sinh hoạt của cả vùng.
Qua Ngọ Môn là nơi chuẩn bị đón tiếp là khu sân rồng, nơi các quan văn võ bái chầu khi vua thiết triều.
Tiếp theo đó là các khu chính điện, các toà thái miếu và khu lăng mộ.
Ở Lam Kinh hiện còn lăng mộ các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng mộ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao... Các lăng mộ này cùng các công trình khác ở Lam Kinh đã và đang tiếp tục được trùng tu để tránh xuống cấp.
Sau khi đi thăm các khu chính điện, thái miếu, chúng tôi đến viếng các khu lăng mộ. Khu mộ Lê Thái Tổ ở vị trí trung tâm, giữa bốn bề cây xanh; thắp hương thành kính tưởng nhớ người anh hùng áo vải, vị hoàng đế của nhà nước Đại Việt mà tên tuổi gắn với một thời kỳ rực rỡ.
Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến điều đặc biệt về hai "cây ổi cười" cạnh lăng nhà vua. Chỉ cần chạm tay nhẹ lên thân cây, tất cả các lá trên cành cây đều rung rinh! Một sự bí ẩn khó giải thích làm tăng thêm sự huyền bí cho khu lăng mộ này!
Chúng tôi đã dừng lại khá lâu tại bia Vĩnh Lăng, một di tích đặc biệt ở Lam Kinh, cách lăng mộ Lê Thái Tổ khoảng 300 mét về phía Tây Nam. Đây là một trong những tấm bia "độc nhất vô nhị", thuộc loại to và đẹp nhất còn lại đến nay, được dựng ngay sau khi Lê Lợi mất (1433). Bia hình chữ nhật, đặt trên lưng rùa đá, được chế tác tinh xảo với nhiều hoạ tiết, hoa văn độc đáo, tỷ mỉ đến từng chi tiết; nặng khoảng 18 tấn, được làm bằng đá trầm tích, màu xám xanh.
Văn bia Vĩnh Lăng do chính đại thi hào Nguyễn Trãi soạn thảo, khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Thái Tổ, từ khởi nghĩa Lam Sơn, đánh tan quân xâm lược nhà Minh, xây dựng nhà nước Đại Việt; một thời kỳ hào hùng gắn với những lời thơ bất hủ: "Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nên văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác ...".
Đến thăm Lam Kinh, thêm một lần cảm nhận những nét đặc sắc của một khu di tích, nơi chứa đựng những bài học, những giá trị lịch sử, văn hoá quý giá cho hôm nay và mai sau, một điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Tags