Đền Thủy Trung Tiên: Nơi thực hành tín ngưỡng đúng chuẩn mực

Thứ Năm, 24/04/2025 21:08 GMT+7

Google News

Với mong muốn những nét đẹp truyền thống trong vốn quý di sản mà cha ông để lại, trong đó có di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sẽ luôn được bảo vệ, phát huy và lan tỏa; tại Đền Thủy Trung Tiên - ngôi đền cổ hơn 1000 năm tuổi nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc đã diễn ra nhiều buổi thực hành di sản với sự tham dự của những nghệ nhân uy tín cũng như thanh đồng trẻ tuổi.

Đền Thủy Trung Tiên - điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh chuẩn mực

Đền Thủy Trung Tiên - điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh chuẩn mực

Đau đáu với việc bảo tồn, phát huy di sản theo đúng nguyên gốc, chuẩn mực, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Thìn (Chủ tịch Hội đồng bảo trợ UNESCO, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam) cũng là người đã thực hành nghi lễ Thờ Mẫu Tam Phủ hơn 60 năm qua và đảm trách vai trò Thủ nhang Đền Thuỷ Trung Tiên, luôn ấp ủ, với mong muốn những nét đẹp truyền thống trong vốn quý di sản mà cha ông để lại, trong đó có di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sẽ luôn được bảo vệ, phát huy và lan tỏa. Không chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Đền Thuỷ Trung Tiên còn là một không gian lý tưởng, chuẩn mực để những giá trị di sản văn hóa phi vật thể lâu đời của người Việt được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

NNƯT Nguyễn Thị Thìn - Chủ tịch Hội đồng bảo trợ UNESCO, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam: "Tôi rất hiểu được giá trị của việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nhưng cũng thấy được sự khó khăn trong cuộc sống hiện đại. Nên khi được phân công nhiệm vụ về trông coi ngôi đền này, cùng với việc bảo vệ và giới thiệu di tích đến với du khách thì tôi cũng muốn tạo điều kiện để những người tín Mẫu có thể thực hành tín ngưỡng đúng chuẩn mực, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa được Unesco công nhận".

Trong đời sống tâm linh của người Việt, Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ là một di sản có giá trị văn hóa, tinh thần vô giá. Từ thế kỷ XVI, di sản này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người Việt.

Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những hiện tượng không đúng chuẩn mực, làm sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, di sản cũng như các nghệ nhân uy tín, gắn bó lâu năm với di sản đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có những không gian, hoạt động thực hành chuẩn mực, góp phần tôn vinh giá trị di sản.


Thu Trang - Hoàng Anh

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›