(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, những hình ảnh phản cảm do các cô gái trẻ liên tiếp đăng tải trên trang cá nhân khiến dư luận quan ngại. Đáng buồn hơn, mục đích chủ yếu của những cô gái này là để nổi tiếng hoặc tiến thân.
Quanh vấn đề này, PGS- TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đều thống nhất quan điểm: hiện trạng trên là đáng buồn song nó không thể làm lu mờ những phẩm chất tốt của người phụ nữ Việt thời @.
“Trên Facebook không có phụ nữ xấu”
“Tôi có tham gia mạng xã hội, có theo dõi cả những trang cá nhân của các cô gái vẫn bị coi là thảm họa của cộng đồng mạng. Điều đầu tiên tôi thấy ở họ là một chút bản lĩnh khi chịu là trung tâm phán xét. Kế đó là sự nông nổi của tuổi trẻ. Và cuối cùng là rất nhiều sự hám danh, mong muốn nổi tiếng để tiến thân và bất chấp tất cả mọi chuẩn mực.”- Ông Trịnh Hòa Bình nói.
Cũng theo ông Trịnh Hòa Bình, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang tạo dựng lên một thế giới phong phú và hỗn tạp. Trong đó, nhiều giá trị bị đánh tráo, nhiều chuẩn mực cũ bị thách thức. Song dần qua quá trình tiếp biến dữ dội, một hình thái xã hội mạng cân bằng động dần được hình thành. Và ở giai đoạn này, vẻ đẹp của phụ nữ được đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn bao giờ hết.
“Thêm nữa, đây cũng không hẳn là lỗi của mạng xã hội. Bởi lưu giữ khoảnh khắc đẹp, phô trương vẻ đẹp là nhu cầu chung của con người, đặc biết là tính nữ.”- TS Nguyễn Văn Vịnh nói- “Từ xa xưa, khi chưa có máy ảnh, phụ nữ cũng đã có nhu cầu vẽ chân dung, vẽ truyền thần. Còn nay, một người có tới 2, 3 thiết bị có thể chụp hình và phát tán nó tới cộng đồng trong tích tắc thì trào lưu “tự sướng”, đôi khi hơi thái quá của các cô gái cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng.”
Ông Vịnh nói tiếp: “Hơn thế, mạng xã hội khiến các cô gái có thể tùy chọn những khoảnh khắc đẹp, dùng các ứng dụng đồ họa, chọn những góc hình hợp với bản thân nên trên Facebook, không có phụ nữ xấu. Ngược lại, khi ai cũng dùng Facebook, ai cũng lung linh thì tất cả đều bị đánh đồng, chẳng còn ai đẹp nữa. Cũng bởi vậy, những chiêu trò của các cô gái háo danh rồi cũng dần trở thành “lạm phát” tương tự.”
Công cụ giải phóng nữ quyền
Cũng theo TS. Vịnh, ở một thái cực khác, mạng xã hội lại là nơi bày tỏ quan điểm, cá tính, thông tin rất nhanh và tiện lợi. Nên không lạ khi nhiều cô gái nhan sắc không hẳn đã nổi trội song được rất nhiều người tôn trọng và kính nể. “Thế nên, ở thời buổi Facebook này, đẹp chưa hẳn đã có quyền!”- Ông Vịnh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Hòa Bình cho biết: Thế giới ảo cho các cô gái có quyền thực hiện những phép thử mà nếu có gì rủi ro cũng không gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhỏ thì thử đổi style trang điểm, đầu tóc, lớn hơn một chút là kinh doanh,..
Theo TS Vịnh, cũng vì vậy, người phụ nữ “năm canh vò võ những là thở than” xưa được giải phóng. Vết hằn Nho Giáo “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” cũng dần được xóa nhòa.
Hơn thế, những quyền được tiếp cận thông tin, quyền được trau dồi kiến thức từ cộng đồng, quyền được thể hiện quan điểm cá nhân... của phụ nữ cũng rất được coi trọng trên mạng xã hội. “Từ một xã hội nặng tính mẫu hệ, chúng ta chuyển sang theo hệ tư tưởng Nho giáo, “triệt tiêu” nhiều quyền cơ bản của phụ nữ. Nhưng dần dần, nữ quyền được giải phóng, và ngày càng mạnh mẽ nhờ mạng xã hội.”
“Bởi vậy, chúng ta không nên vội vàng nhìn một vài hiện tượng xấu của các cô gái trẻ mà kết luận về “phụ nữ thời Facebook”. Thay vào đó, những người đàn ông nên tận hưởng công nghệ và ngắm những bức hình long lanh. Chỉ ngắm thôi, đừng phán xét!”- TS. Nguyễn Văn Vịnh nói.
Theo số liệu năm 2013, mỗi ngày có khoảng 350 triệu hình ảnh được tải lên Facebook. Trung bình, mỗi người dùng Facebook đã tải lên khoảng 217 hình ảnh. 58% người sử dụng Facebook là nữ. |
Hoàng Hằng
Tags