(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc một tuần lễ nóng nực và oi bức giữa mùa Hạ, chúng ta bỗng nhận được một thông tin khiến cộng đồng cảm thấy... mát dạ mát lòng: 3 khách sạn lớn ven bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) sẽ được di dời để trả lại cảnh quan và không gian thoáng đãng cho thành phố.
Cụ thể, đó là 3 khách sạn có tên Bình Dương, Hoàng Yên, Hải Âu, nằm ở phía đông con đường An Dương Vương chạy dọc bờ biển Quy Nhơn. Như lời khẳng định từ lãnh đạo địa phương, sau khi di dời, quỹ đất từ 3 khách sạn này sẽ được sử dụng làm công viên, hoặc không gian sinh hoạt cho cộng đồng…
Việc di dời 3 khách sạn có chiều cao từ 6 đến 11 tầng với tổng số hơn 150 phòng nghỉ này không đơn giản, với số kinh phí ước tính ban đầu đã lên tới vài trăm tỷ đồng. Vậy, tại sao đó lại là một tin mừng?
Câu trả lời sẽ có, nếu chúng ta xét tới tình trạng “cắt vụn bờ biển” đang diễn ra ở rất nhiều đô thị biển Việt Nam. Dù ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, dư luận và các chuyên gia đều đã nhiều lần phải lên tiếng về tình trạng địa phương giao cho nhà đầu tư những lô đất đẹp nhất để làm resort riêng, cũng như về sự xuất hiện ồ ạt của những khối cao ốc nối tiếp nhau chạy dọc bờ biển như những bức tường thành.
Không chỉ che khuất tầm nhìn, cũng như hướng gió thổi vào đất liền, ở rất nhiều trường hợp, những chuỗi cao ốc ấy đồng thời cũng bít luôn đường xuống biển của khách du lịch và người dân bản địa. Để rồi, muốn ra bãi tắm hoặc hóng mát tại bãi biển, mọi người chỉ có cách đi bộ vài km hoặc liều... trèo rào vào bãi biển - nếu khu vực đó là nơi nhà đầu tư đã được địa phương “giao đứt” diện tích.
Những gì đang diễn ra là hệ quả tất yếu của tình trạng phát triển nóng, khi du lịch biển đang chiếm tới 70% số khách và 60% doanh thu trong ngành du lịch hiện nay. Và tất nhiên, việc tìm kiếm những vị trí đắc địa nằm ngay sát bờ biển, với cảnh quan đẹp và khoảng cách xuống biển chỉ vài bước chân vẫn luôn là cái đích của bất cứ nhà đầu tư nào.
Nói rộng hơn, thay vì đầu tư có chiến lược và chiều sâu, cách phát triển du lịch biển ồ ạt, tràn lan theo kiểu... hàng ngang, dàn trải suốt dải bờ biển mấy ngàn km của chúng ta cũng là một lý do dẫn tới tình trạng ấy.
***
Cần nhắc lại, cách làm kể trên không chỉ tạo ra sự bất công trong việc hưởng thụ các tiện ích mang lại từ bờ biển. Xa hơn, đó còn là sự lãng phí khủng khiếp với nguồn tài nguyên du lịch và sinh thái này.
Bởi ai cũng rõ, một khi phần không gian sát biển rất mỏng bị cắt vụn và chiếm hữu bởi các nhà đầu tư, những khu đất tiếp giáp phía trong gần như không còn nhiều giá trị trong việc xây thêm khách sạn, hoặc phát triển dịch vụ của mình.
Trong nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề này, các chuyên gia đã chỉ rõ: việc quy hoạch những con đường dài, chạy sát bờ biển rồi khai thác “mặt tiền” - điều đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay - là cách làm của tư duy cũ. Thay vào đó, nếu dành phần bờ biển cho cộng đồng và kết nối vào trong bằng những con đường vuông góc, cơ hội phát triển du lịch và dịch vụ sẽ được mở ra cho cả vùng diện tích lớn hơn rất nhiều.
Bây giờ, sau một giai đoạn phát triển nóng, những đô thị biển Việt Nam dường như cũng đã ý thức được sự cần thiết phải thay đổi trong việc quy hoạch phát triển bờ biển.
Thực tế, trước Quy Nhơn, một số địa phương cũng đã đưa ra những ý tưởng về việc điều chỉnh mật độ xây dựng tại các bờ biển. Chẳng hạn, năm 2016, thành phố Nha Trang (2016) đã từng nhắc tới việc di dời một số cao ốc phía Đông đường Trần Phú - con đường ven biển của thành phố. Hoặc, Đà Nẵng trong năm qua cũng đã và đang thu hồi một phần diện tích tại các khu resort để mở lối xuống biển cho cộng đồng.
Còn bây giờ, chúng ta có thêm một lời hứa rất đẹp và rất đáng mừng của lãnh đạo Quy Nhơn. Rằng,vịnh Quy Nhơn là tài sản chung của người dân lẫn du khách và toàn bộ người dân ở đây sẽ được... tự do xuống biển.
Hy vọng, những điều tốt đẹp ấy sẽ sớm thành hiện thực trong một tương lai gần.
Sơn Tùng
Tags