Vừa về nhà lúc giữa trưa, ông Long cùng lúc bật quạt và điều hòa mạnh, ngay sau đó ông tăng huyết áp, tê yếu nửa người.
BS.CKII Võ Đôn - Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các bác sĩ vừa điều trị thành công cho trường hợp bị đột quỵ sau khi đi nắng về ngồi điều hòa.
Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Long* (49 tuổi, Quận Bình Thạnh) được người nhà đưa đến cấp cứu vào đầu tháng 5/2023 trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ. Các bác sĩ khoa cấp cứu nhận định ông Long có dấu hiệu đột quỵ cấp, lập tức phát y lệnh khẩn "Code Stroke" ưu tiên cứu người bệnh.
Ngay sau đó, ông Long được chỉ định chụp MRI 3 Tesla nhằm phát hiện những bất thường nhỏ nhất trong não, đánh giá chuyên sâu tình trạng bệnh. 10 phút sau, kết quả ghi nhận tổn thương vùng đồi thị ổ nhỏ, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn trong đêm hoặc ngày mai. Kết quả cũng xác định đây là cơn nhồi máu não cấp - giờ thứ 4, loại trừ xuất huyết não. Các bác sĩ tư vấn cho người nhà lập tức phải dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA) - làm tan cục máu đông, phòng ngừa yếu liệt, tắc mạch máu não nặng hơn.
Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp, đảm bảo kịp "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ cấp (dưới 4 giờ 30 phút với thuốc tiêu sợi huyết, có thể mở rộng lên 6 giờ trong một số trường hợp). Sau một giờ dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, đáp ứng với phương pháp điều trị, hết nói đớ và tê yếu nửa người trái. Hiện sau một tuần điều trị, người bệnh đã phục hồi 90%, có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.
Ông Long kể lại thường ngày, ông đi lấy hàng cho vợ bán ngoài chợ vào buổi trưa. Khi về nhà, ông thường đi lại vài vòng và bật quạt thoáng nhẹ. Nhưng hôm đó trời nắng nóng quá, ông vừa về nhà lúc 13 giờ trưa liền bật quạt số lớn và bật luôn điều hòa mát lạnh để nằm nghỉ ngơi. Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg. Ông liền ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Sau đó, ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu. Ông nhờ người thân đưa đi cấp cứu ở một cơ sở y tế khác nhưng không tìm ra bệnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Theo BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ông Long có tiền căn tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường và mỡ máu cao, vốn đều là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não. Do đó, sau điều trị tiêu sợi huyết, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện các cận lâm sàng như siêu âm tim, siêu âm doppler động mạch cảnh, đốt sống, xét nghiệm sinh hoá máu và huyết học để tầm soát các yếu tố nguy cơ và dự phòng nhồi máu não tái phát.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, các bệnh lý nền tăng huyết áp, rối loạn đường huyết, rối loạn mỡ máu được kiểm soát tốt sẽ giảm được 70% nguy cơ tái đột quỵ. Bác sĩ Sương khuyến cáo người bệnh nên đi tầm soát đột quỵ định kỳ theo tư vấn của bác sĩ, thường khoảng 6 tháng/lần hoặc ngắn hơn, kể cả ở những người có bệnh lý nền nhưng chưa bị đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ có thể cao hơn ở những người mắc những bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao… vào mùa nắng nóng. Chênh lệch nhiệt độ (như đang ngoài nắng vào nhà ngồi máy lạnh hoặc ngược lại…), cường độ làm việc cao, căng thẳng, mất ngủ, mắc các bệnh lý cấp tính như nhiễm trùng… là những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não.
Bác sĩ Sương khuyên mọi người cần kiểm soát chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối, chất béo không lành mạnh, hạn chế ăn các món chiên, xào, rán; luyện tập thể dục, thể thao; hạn chế dùng các chất kích thích (trà, cà phê, thuốc lá)...
* Tên nhân vật đã được thay đổi