Di sản cần vượt qua những rào cản vô hình

Thứ Sáu, 16/09/2016 07:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin thú vị: Phó Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Hải Phòng và Quảng Ninh phối hợp xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới cho vịnh Hạ Long mở rộng. Không gian mở rộng này sẽ kéo sang quần đảo Cát Bà - khu vực từng thất bại trong việc xin danh hiệu tương tự vào năm 2014.

Đây không phải là lần đầu tiên, ý tưởng "nối dài" Cát Bà vào không gian vịnh Hạ Long được nhắc tới. Năm 2014, chính Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã đưa ra khuyến nghị này, với quan điểm rằng cách làm ấy sẽ bổ sung thêm nhiều giá trị cho vịnh Hạ Long về tổng thể.    

Thậm chí, năm 1993, khi xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới cho vịnh Hạ Long, một phần diện tích của quần đảo Cát Bà và khu vực vịnh Bái Tử Long cũng được phía lập hồ sơ của VN đưa vào kế hoạch, nhưng sau đó phải thay đổi vì nhiều lý do.


Vịnh Hạ Long

Còn ở thời điểm này, khi vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản cho những tiêu chí khác nhau, việc đề nghị "mở rộng" ít nhiều mang tính khả thi cao hơn.

Trước đó, trường hợp tương tự đã xảy ra với Di sản Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng: trong lần vinh danh thứ 2 vào năm 2015, UNESCO đã đồng ý công nhận diện tích mở rộng của Di sản này thêm gần 50%: từ 86.000 hecta lên 123.000 hecta.

Thực tế, lời khuyến nghị của UNESCO được đưa ra sau khi hồ sơ xin "ứng thí" của quần đảo Cát Bà bị xếp loại N (Not recommended for inscription - không khuyến khích ghi danh).

Như chia sẻ của một số chuyên gia di sản với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) khi ấy, thất bại này phần nào đã được đoán trước. Bởi, rất khó để UNESCO công nhận 2 Di sản Thế giới khác nhau cho 2 không gian liền kề và có nhiều điểm tương đồng về địa chất, địa mạo, cấu trúc sinh học như vậy...

Cần nhắc lại, ở góc độ địa chất, rất nhiều nghiên cứu từng khẳng định: Cát Bà là một phần hữu cơ của không gian vịnh Hạ Long, và cũng đã từng thuộc về tỉnh Quảng Ninh (cũ) cho tới khi được cắt sang Hải Phòng vào năm 1956.

Nhưng, như chia sẻ từ chính những người trong cuộc, sự liên kết đang được mong đợi cũng sẽ dẫn tới những phức tạp lớn mô hình quản lý, cũng như khai thác quyền lợi tại các di sản.

Gần như chắc chắn, nếu công nhận Cát Bà là một phần của vịnh Hạ Long “mở rộng”, UNESCO sẽ không chấp nhận việc tiếp tục tồn tại 2 ban quản lý và 2 cơ chế hoạt động ở di sản này. Cũng như, du khách từ Cát Bà có nhu cầu tiếp tục tham quan vịnh Hạ Long, và ngược lại, sẽ khó lòng chấp nhận chuyện “chuyển tour” để mua 2 lượt vé.

Có nghĩa, một ban quản lý mới sẽ phải được thành lập, và cho phép mỗi bên đều có quyền khai thác không gian của di sản “mở rộng” này. Điều đó dẫn tới những phức tạp về sự khác biệt giữa một Di sản Thế giới đã có thương hiệu từ hơn 20 năm nay, với một di sản nằm liền kề và ít nhiều chưa được đầu tư đủ mạnh.

Chẳng hạn, nếu coi Cát Bà - Hạ Long là một quần thể thống nhất, phần “mở rộng” là đảo Cát Bà bỗng nhiên sẽ hưởng lợi rất lớn từ sự thay đổi này.

Bởi, với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Cát Bi và đặc biệt là cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải đang được xây dựng, du khách chỉ mất vài chục phút là có thể qua phà, vào Cát Bà và… đi tiếp sang Hạ Long, thay vì phải vượt thêm quãng đường vòng vài chục cây số.

Ngược lại, với Hạ Long, bản thân  việc bảo vệ môi trường vịnh, trước sức ép của các đội tàu khai thác du lịch, cũng đã đủ là một thách đố rất lớn với phía quản lý Di sản thế giới này trong những năm qua. Và như thực tế đã chứng minh, trong cuộc họp bàn về vấn đề “nối dài” Cát Bà vào vịnh Hạ Long đầu quý II vừa qua, các ý kiến từ phía Quảng Ninh cũng tỏ ra… chưa hẳn mặn mà.

Chỉ khi có một quyết tâm đủ lớn, cũng như một mô hình liên kết đủ thuyết phục, chúng ta mới có thể hi vọng 2 di sản vượt qua những rào cản vô hình để cùng liên kết và trở thành một quần thể du lịch - văn hóa thật sự với khách du lịch.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›