(Thethaovanhoa,vn) - Thật là một câu chuyện thú vị. Vào những thời khắc cuối cùng hướng đến “Ngày Tận thế” theo lịch cổ của người Maya, nhóm biên tập và in ấn cuốn sách Di sản Văn hóa Chăm do nhà nghiên cứu kiêm nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự đứng đầu vẫn nỗ lực, kiên trì cho ra mắt công trình lần đầu tiên được in bằng 5 dạng ký tự khác nhau (Việt latin, Chăm cổ, Chăm latin, Anh và Pháp).
1. Rõ ràng nhóm biên tập đã không tin vào “Ngày Tận thế” như một kết thúc của nhân loại, mà trái lại, đó chính là sự mở đầu cho một thời “Khai thế” mới, và công trình sách Di sản Văn hóa Chăm của các anh chính là một món quà cho thời này.
Mái tóc điểm bạc trên chiếc lưng bắt đầu còng xuống của tuổi “thất thập”, với dáng vẻ tươi tắn như một Nicolaus (tên của Ông già Noel), tác giả Nguyễn Văn Kự mang đến cho tôi 2 cuốn Di sản văn hóa Chăm còn tươi thơm mùi giấy mực.
Tác giả Nguyễn Văn Kự và Cả sư người Chăm - Tháp Pô Klông Garai lễ hội Katê 2003 |
Tôi hỏi anh: “Sao lại là hai cuốn”?, anh trả lời ý nhị, hóm hỉnh: “Một để ông dùng, một tặng Bảo tàng thầy”. Anh vẫn gọi giáo sư Phạm Huy Thông bằng “thầy” và không bao giờ quên, mỗi khi có sách mới, anh đều mang cả bản thảo lẫn sách đến “dâng thầy”. Đó là cách nói hóm hỉnh và khiêm tốn của anh về Bảo tàng Phạm Huy Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Bảo tàng có một phòng trưng bày về những bút tích của giáo sư Phạm Huy Thông và những bản thảo của một số anh chị em đã từng công tác trong lĩnh vực Khảo cổ học và Khoa học Xã hội Nhân văn nước ta trong thời kỳ giáo sư lãnh đạo Viện Khảo cổ học và Ủy ban Khoa học Xã hội, nay là Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia).
Nguyễn Văn Kự , người xứ Thanh. Anh sinh ra ở một làng khoa bảng thuộc huyện Hoằng Hóa. Tuy vậy, trong cuộc đời, khi yêu mến cái gì và khi làm một việc gì, Nguyễn Văn Kự đều tình nghĩa đi đến “cùng” chứ không bao giờ chỉ đi đến “còng” rồi quay trở lại. Anh tham gia Đội Khảo cổ học Việt Nam đầu tiên từ năm 1959. Anh yêu mến khảo cổ và ham mê nhiếp ảnh. Anh đã theo học hết cấp cử nhân của ngành này đồng thời trở thành một nhà nhiếp ảnh sở hữu kho tư liệu ảnh di tích khảo cổ học Việt Nam vào loại lớn nhất nhì trên thế giới này.
Rời cương vị Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, anh nghỉ hưu cho đến nay đã tròn 12 năm. Với vốn kiến thức chung rộng về lịch sử và tình yêu dành cho di sản vật chất, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, Anh đã cùng cộng sự cho ra mắt nhiều công trình sách có giá trị như Điêu khắc Chăm, Đình Việt Nam, Chùa Việt Nam (xuất bản tới lần thứ 4). Đặc biệt, trong thập niên gần đây nhất, anh đã xuất bản một chuỗi công trình sách về văn hóa Chăm và Tây Nguyên.
Di sản Văn hóa Chăm (NXB Thế giới, 168 trang, giá 288 ngàn đồng. Có thể đặt mua tại: Nhóm biên tập sách, ĐT.0903265331; email: [email protected] và tại các hiệu sách trên toàn quốc |
Đọc những dòng tâm huyết của anh có thể nhận thấy lòng trân trọng vô bờ của anh đối với Di sản Chăm - Tây Nguyên cũng như đối với những đồng nghiệp và bậc thầy của mình. Rõ ràng nhờ đức tính chịu khó tìm tòi, học hỏi, anh đã tiếp thu và ghi nhận được từ những chuyến điền dã cùng các giáo sư Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Phổ, Diệp Đình Hoa, Nguyễn Văn Huy… và đặc biệt là giáo sư Condominas rất nhiều kiến thức bổ ích và hàng ngàn bức hình có giá trị khoa học, nghệ thuật cao. Đó cũng chính là vốn liếng cuộc đời mà anh đã dành được, để khi bắt đầu từ tuổi ngũ tuần anh dành thời gian rảnh rỗi nhâm nhi “nhả” ra những “sợi tơ vàng”.
Những “sợi tơ vàng” đầu tiên đã được anh chăm chút kết nối cùng nhóm tác giả của Viện Khảo cổ học trong công trình Điêu khắc Chăm, và trong những năm gần đây, anh và cộng sự đã liên tục cho ra đời những công trình sách lớn chuyên đề Chăm - Tây Nguyên, như: Du khảo văn hóa Chăm, Nhà Mồ Tây Nguyên, Nhà Rông Tây Nguyên, Di sản văn hóa Chăm…
2. Mặc dù anh luôn khiêm tốn tự nhận mình chỉ là một nhà nghiên cứu “nghiệp dư”, nhưng nếu thử làm cái việc kê khai đầu công trình sách đã xuất bản thì Nguyễn Văn Kự đứng vào hàng đầu các tác giả xuất thân từ Viện Khảo cổ học Việt Nam.
Cuốn Di sản văn hóa Chăm lần này có thể coi như đột phá của Nguyễn Văn Kự trong lĩnh vực sưu tầm và xuất bản. Thật hiếm có công trình giới thiệu di sản nào đạt được tính hệ thống và độ tin cậy cao như cuốn sách này.
Và điểm đột phá chính là ở chỗ tác giả đã mạnh dạn đầu tư công sức để cùng các cộng sự cho ra đời cuốn sách với bốn ngôn ngữ (Việt, Chăm, Anh, Pháp) và 5 hệ ký tự. Như tâm sự của tác giả, anh muốn dành sách này cho đồng bào Chăm nữa, chứ không phải chỉ nhằm vào người đọc phổ thông hay khách quốc tế. Anh đã góp phần hiệu quả nhất vào việc tôn vinh và bảo tồn di sản Chăm ở chỗ, nhờ cuốn sách có tiếng Chăm latin và chữ Chăm cổ, chính anh đã đưa các hiểu biết điền dã khoa học cũng như các giá trị tuyệt hảo của nền văn hóa Chăm qua hình ảnh tới các thế hệ đồng bào Chăm ở các làng Chăm xa xôi nhất.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều đã nhận thấy: Cách bảo tồn di sản tốt nhất chính là từ hậu duệ trực tiếp của các chủ nhân di sản; nhờ sự hiểu biết và lòng trân trọng dành cho tiên tổ. Cuốn Di sản văn hóa Chăm với phần lời bằng cả chữ Chăm cổ lẫn phiên âm Chăm latin đã làm thêm được một việc khó khăn và cao quý đó.
TS Nguyễn Việt
(Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á)
Thể thao & Văn hóa