(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (7/2), tại di tích lịch sử cấp Thành phố đình làng thôn Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), trước sự chứng kiến của dân làng, đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đã được di dời khỏi di tích. Đồng thời, sau nghi lễ linh thiêng, người làng đã đặt cặp nghê phục dựng thế kỷ 17 vào thế chỗ đôi sư tử ngoại.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, nhà điêu khắc Liên Vũ, đôi nghê Việt bằng đá nhân tạo được chế tác bởi các nghệ nhân của xưởng điêu khắc Liên Vũ lấy nguyên mẫu từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thế kỷ 17. Cặp nghê được tạo tác bằng gỗ, phủ sơn, cao 118cm, mang dáng hình con chó, còn gọi là “khuyển nghê”.
Cụ Lê Quý Đôn, một trong những người đã từng tới Ninh Bình mua cặp sư tử đá Trung Quốc đặt vào di tích cho biết: Chúng tôi muốn công đức cho đình làng thêm uy nghi. Song chúng tôi không biết nên dâng lên đình làng linh vật gì. Sau khi đến làng đá ở Ninh Bình, chúng tôi quyết định chọn một cặp sư tử trông dữ dằn, oai phong. Nhưng khi hay biết cặp sư tử đá này mang tạo hình Trung Quốc, trái với tinh thần cha ông, chúng tôi đã có ý định thay. Song những người trong ban khánh tiết chúng tôi đều đã tuổi cao sức yếu nên không thể di chuyển linh vật ngoại lai. Hơn thế, chúng tôi cũng không biết thay sư tử Trung Quốc bằng linh vật thuần Việt nào.
Sau những trăn trở, băn khoăn là những tháng ngày dài, ban khánh tiết đình làng Trạch Xá suy nghĩ, tìm tòi hướng đi để “dọn” đôi linh vật ngoại. Cho đến những ngày vừa qua, khi truyền thông đưa tin về cặp nghê phục dựng của nhà điêu khắc Liên Vũ, các cụ bắt đầu thở phào. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp nặng lòng với địa phương cùng sự giúp sức của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, ngày 6/2 vừa qua, các cụ đã được toại nguyện khi cặp sư tử ngoại lai đã được cẩu ra khỏi di tích và chính tay các cụ đã đặt cặp linh vật Việt vào chốn linh thiêng.
Đánh giá về sự kiện, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: Đây không phải là sự kiện của riêng làng Trạch Xá. Việc cặp nghê đầu tiên “trở về” với di tích Việt thay thế vị trí của cặp sư tử Trung Quốc suốt cả chục năm nay như đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp chấn hưng linh vật Việt mang hồn cốt Việt, phẩm giá Việt.
Còn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: Công văn 2662 đã đi hết chặng đường thứ nhất, giai đoạn vận động, tuyên truyền. Việc người dân tự nguyên di dời linh vật ngoại lai tại một di tích cấp thành phố và thay thế bằng linh vật Việt đánh dấu bước đi tiếp theo của công văn khi đi vào đời sống. Từ nhận thức đầy đủ, cộng đồng đã có những hành động đúng đắn. Từ Trạch Xá, tôi hi vọng sẽ còn nhiều địa phương, cộng đồng tự nguyện di dời linh vật ngoại lai khỏi di tích và thay thế bằng linh vật Việt
Trước đó, địa phương đã hoàn tất thủ tục xin Sở VHTT&DL Hà Nội việc thêm hiện vật vào di tích cấp thành phố theo đúng luật di sản. Ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTT&DL đã trao đổi với Thể thao & Văn hóa từ trước rằng: bất cứ di tích nào trên địa bàn Hà Nội muốn thay thế linh vật ngoại lai bằng linh vật thuần Việt sẽ được sở xử lý thủ tục nhanh hết sức có thể. Điều này vừa đảm bảo tuân thủ Luật di sản vừa góp phần thực hiện tốt công văn 2662.
Chùm ảnh ghi nhận của Thethaovanhoa.vn:
Với sự hỗ trợ của cơ máy móc, việc di dời không quá khó khănĐược biết sư tử Trung Quốc sẽ được di dời về một xưởng chế tác đá, đẽo lại thành linh vật ViệtCụ Lê Quý Đôn bên con nghê ViệtCặp nghê phục dựng theo mẫu thế kỷ 17 được đặt đúng vị trí của đôi sư tử đá Trung QuốcLinh vật Việt, phẩm giá Việt uy linh trong di tích ViệtDù là thành công bước đầu, song việc vận động người dân hướng về vốn cổ cha ông vẫn là chặng đường dài...
Mỹ Mỹ
Tags