Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa: Danh tiếng lẫy lừng, khách đến đìu hiu

Thứ Năm, 12/12/2019 08:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và UBND quận Đống Đa (Hà Nội) tổ chức vừa qua ngay tại di tích này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa...

Gò Đống Đa, Ngũ Hành Sơn trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Gò Đống Đa, Ngũ Hành Sơn trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), năm 2018, Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Nhiều ý kiến nêu rõ, dù còn những luận giải khác nhau về việc Gò Đống Đa là thiên tạo hay nhân tạo thì di tích quốc gia đặc biệt này vẫn luôn là một biểu tượng tiêu biểu về trận huyết chiến Ngọc Hồi- Đống Đa, trận chiến có ý nghĩa quyết định trong chiến dịch giải phóng Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra tại di tích Gò Đống Đa là dù đã được đầu tư không ít nhưng vẫn thiếu sức thu hút với du khách.

Cấp thiết “bảo tồn và khai thác”

TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 với chứng tích Gò Đống Đa trở thành một mốc son huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Đó là lời khẳng định đanh thép về tinh thần quyết chiến quyết thắng, lời cảnh báo “còn nguyên tính thời đại” đối với các thế lực ngoại xâm. Không gian văn hóa Gò Đống Đa, đặc biệt là Lễ hội Gò Đống Đa vào mồng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, với những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ và bảo tồn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.

Chú thích ảnh
Lễ hội Gò Đống Đa

Khai thác, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa là vấn đề được giới khoa học đặc biệt quan tâm. Di tích Gò Đống Đa có đặc thù là gò núi đất tự nhiên duy nhất còn lại trong toàn bộ khu vực nội đô Hà Nội hiện nay. Đỉnh gò còn nguyên nền móng ngôi miếu cũ, đượm cảnh hoang phế trước nhịp sống văn hóa đương đại. PGS.TS Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia lưu ý đây là một di tích có vị trí quan trọng trấn nhậm toàn cửa phía Tây Thủ đô, với trục đường thẳng từ Hà Đông đến Ô Chợ Dừa. Nó giữ vị thế đặc biệt không chỉ với quận Đống Đa mà còn với cả TP Hà Nội. Nhiều lễ kỷ niệm, sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại đây. Nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Song thực trạng đỉnh gò bị bỏ hoang, trơ nền móng miếu Trung Liệt. Tam quan miếu đã bị xuống cấp. Cảnh quan xung quanh di tích chưa phù hợp với tầm vóc một di tích quốc gia đặc biệt.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ thêm, xung quanh lịch sử Gò Đống Đa cũng như trận đánh nổi tiếng này vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu. Cụ thể, cần có nhiều giải pháp để xác định Gò Đống Đa là núi xương hay gò thiên tạo. Triển khai nghiên cứu sẽ tiếp tục tôn vinh những giá trị lịch sử của di tích. Cũng liên quan đến nội dung này, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, dù về mặt học thuật, lịch sử còn có nhiều ý kiến đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở chân xác hơn về bản chất của Gò Đống Đa nhưng có một điều chắc chắn, địa danh này là minh chứng, là dấu tích và là biểu tượng oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Về mặt khai thác, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, ở khu vực gò, trên đỉnh gò, ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung và một vài phiến đá chỏng chơ, hầu như không có thông tin gì khác. Điều đó rất khó cho người tham quan, nhất là khách tham quan tự do. Chắc chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phát huy giá trị di tích.

“Gần đây, khi tới khảo sát Gò Đống Đa tôi có gặp một đoàn tham quan từ Bình Định ra, lúc đầu họ rất hăm hở leo lên đỉnh gò, sau vài phút lại xuống ngay. Hỏi họ thì được trả lời rằng ở trên đó không có gì và chả hiểu gì. Điều đó cho thấy rằng, thông tin về di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa còn rất ít”, PGS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Vì sao vắng khách?

Đó là câu hỏi được nhiều học giả đặt ra liên quan đến sức thu hút của di tích Gò Đống Đa. Theo PGS Đỗ Văn Trụ, cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu để có giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích, thu hút khách tham quan, xứng đáng là một di tích quốc gia đặc biệt. Ông Trụ cho rằng, việc xây dựng Nhà trưng bày tại quần thể Công viên Văn hóa Đống Đa là cần thiết nhằm bổ sung những tư liệu, sự hiểu biết về di tích cho du khách. Nhà trưng bày hiện có quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ.

“Nên xây dựng Nhà trưng bày mới với nội dung và giải pháp mới, đưa các phương tiện, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại để tăng tính hấp dẫn của trưng bày. Mặt khác, đề nghị đổi tên Công viên Văn hóa Gò Đống Đa, trở về với tên gọi là Di tích lịch sử Gò Đống Đa, đúng với tên gọi trong các quyết định xếp hạng di tích. Hiện nay, hoạt động của di tích và Công viên Văn hóa Đống Đa khá đơn điệu, ít hoạt động đa dạng, hằng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục...”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu. Nhìn từ góc độ gắn kết di sản với hoạt động du lịch, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nêu, trong hiện tại và tương lai, Gò Đống Đa là điểm du lịch văn hóa lịch sử nằm trong tuyến du lịch Ngọc Hồi- Đống Đa- Văn Miếu và các di tích phụ cận. GS Trương Quốc Bình đề nghị Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội quan tâm xúc tiến các dự án, hoạt động nhằm tăng cường quảng bá, đưa du khách đến với di tích.

Chú thích ảnh
Thông tin về di tích còn quá ít ỏi khiến du khách hững hờ

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra sức sống mới cho di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, với đặc thù của di tích, Gò Đống Đa cần theo đuổi khái niệm bảo tồn để thích nghi. Việc thiếu một trung tâm diễn giải lịch sử khiến du khách đến đây sẽ không có đủ những trải nghiệm và thấu hiểu. Vì vậy, cần trưng bày bổ sung để cung cấp đủ thông tin hấp dẫn với du khách, phải nghiên cứu xem khách muốn gì ở đây, chứ không phải cứ trao cho họ những gì ta hiểu. Trung tâm này cần hướng đến đối tượng trẻ, tạo lập các chương trình giáo dục lịch sử với sự tương tác, giao tiếp, trải nghiệm qua các công cụ hiện đại bằng kỹ thuật số. Những việc làm này sẽ góp phần giải quyết bài toán vì sao có đầu tư mà di tích vẫn vắng khách.

PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thì lưu ý, trong việc phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô cần phải chú ý khuyến cáo của UNESCO, nắm vững xu hướng phát triển du lịch mới và cụ thể hơn là mục tiêu phát triển du lịch của Thủ đô. Theo đó, UNESCO khuyến cáo, bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Khai thác giá trị di sản văn hóa mà bất chấp việc giữ gìn di sản văn hóa thì tự đánh mất tài nguyên. Di sản văn hóa không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.

“Muốn phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô thì di tích này phải là điểm đến hấp dẫn, là sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh...”, PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh.

Theo Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›