Cuối tuần qua, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu (153 Thùy Vân, TP Vũng Tàu), trong khuôn khổ trại sáng tác dành cho các nhà văn trẻ và nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?. Đây là vấn đề không chỉ những người viết, mà bất cứ ai yêu quý văn học thiếu nhi, cũng đều quan tâm.
Những nhà văn nhiều năm sáng tác cho thiếu nhi có mặt tại tọa đàm không ngại nói với nhau rằng "trẻ con giờ đã rất khác xưa". Từ đó, họ cùng nhau nhìn lại văn học thiếu nhi thời gian qua, chia sẻ kinh nhiệm, và cùng tìm chất liệu mới cho mảng đề tài này.
Có một tuổi thơ rất khác ngày xưa
Đã xuất bản 13 tập truyện thiếu nhi, nhà văn Mai Bửu Minh vẫn nhận thấy những khó khăn, hạn chế khi theo đuổi đề tài văn học thiếu nhi hiện nay. Anh tự nhận: "Hầu hết những tác phẩm của tôi viết về thiếu nhi ngày xưa khiến các em thiếu nhi ngày nay đọc giống như đọc truyện cổ tích, xưa thiệt là xưa, nên xa lạ, phần lớn các em sẽ không thích. Tôi biết, nhưng vốn sống và hiểu biết về trẻ con của tôi chỉ có thế và tôi viết như để trả nợ tuổi thơ, trả nợ quê hương".
Anh nói tiếp: "Tôi đã và đang gặp khó khăn khi viết về đề tài thiếu nhi hiện nay. Ông già U70 thời nay hơi khó làm bạn với các bạn từ 7-12 tuổi, khi con mình thì quá lớn và mình chưa có cháu ở độ tuổi thiếu nhi để làm bạn và hiểu sâu sắc hơn tâm sinh lý trẻ em hiện nay. Tâm sinh lý trẻ con ngày nay khác xa trẻ con của 30-40 năm trước. Trẻ con bây giờ 7 tuổi cầm điện thoại thông minh lên thao tác sử dụng lẹ làng, dạy ông bà ứng dụng các phần mềm chụp, sửa ảnh, tải nhạc về nghe... Trẻ 12 tuổi bây giờ biết chơi các game điện tử, tặng quà cho bạn gái, nhắn gửi video tỏ tình, thuộc làu thành tựu các ngôi sao trong làng giải trí, thể thao… Thời của tôi, trẻ con tuổi ấy ở vùng quê còn cởi truồng tắm mưa và thành thạo chơi trò chơi dân gian, đánh bắt tôm cá dưới kinh rạch, đặt bẫy chim cò trên đồng".
Là người gắn bó hàng chục năm với việc viết và làm báo cho thiếu nhi, nhà văn Gia Bảo (Phó Tổng biên tập báo Khăn quàng đỏ) chia sẻ: "Tuổi thơ, cấp 2, cấp 3 hiện thay đổi rất nhiều, thực tế đã rất khác xưa. Kinh nghiệm làm báo, viết sách cho các em cho thấy rất cần phân theo độ tuổi thì những trang viết sẽ được các em yêu thích".
Người viết cho thiếu nhi trước hết phải đúng hơi thở cuộc sống của các em. Ngày xưa hẹn nhau dưới hoa phượng, bờ đê, giờ gặp nhau bên Landmark 81 đầy đèn màu. Trước đây tặng khoai nướng gói trong lá chuối, giờ tụi nhỏ tặng nhau trà sữa, cupcake, tiramisu... Viết cho trẻ con bây giờ có thể đưa 4.0 vào truyện. Từ học sáng tạo robot, học steam cũng là chất liệu mới mà những trang sách trước đây chưa có.
"Rất khác nhau. Nhưng vẫn có những tác phẩm nhân văn như Người bán Tết của nhà văn Kim Hài, hơn 20 năm sau, báo Khăn quàng đỏ đăng lại, các em vẫn rất thích, vì giá trị nhân văn trong đó. Những tác phẩm chạm được vào lòng độc giả bằng giá trị nhân văn thì sẽ trở nên hấp dẫn và bền vững hơn" - Gia Bảo nói.
Nhằm thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật "của" thiếu nhi và "vì" thiếu nhi, báo Thể thao và Văn hóa đã sáng lập Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn từ năm 2020. Mùa giải lần thứ 4 năm nay sẽ nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 20/4/2023. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp 1/6 tới.
Chất liệu cất trong nhà mình
Với rất nhiều nhà văn viết mảng văn học thiếu nhi, chất liệu dễ có nhất, độc đáo nhất mà không sợ bị "đụng hàng" chính là từ nhà mình. Ngoài bản thân, ông bà cha mẹ, còn có con cháu mình. Chất liệu này giúp Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu, Duy Khán viết Tuổi thơ im lặng, Trần Hoài Dương viết Miền xanh thẳm… Gần đây nhất là nhà thơ Lê Minh Quốc viết Từng ngày ba mẹ thở theo con...
Hay như tác phẩm nổi tiếng Thời thơ ấu của văn hào Maksim Gorky, với những trang văn mang dáng dấp tự truyện. Mới đây nhất, tác phẩm văn học thiếu nhi Cây cam ngọt của tôi đã tái bản lên đến hàng chục ngàn bản trên khắp thế giới, của José Mauro de Vasconcelos (1920-1984), nhà văn người Brazil, do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch, cũng được viết ra từ chính tuổi thơ, cuộc đời tác giả.
Theo nhà văn Trần Quốc Toàn, người có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi được giảng dạy trong nhà trường, để biến chuyện nhà thành chi tiết, diễn biến, thành tác phẩm văn học có sức sống trong lòng độc giả, đòi hỏi tác giả phải bằng nghệ thuật hư cấu chắc tay. Chất liệu thật không chỉ để ghi chép thành ký, mà có thể làm thành tản văn, tự truyện, tiểu thuyết, thơ và kịch cho thiếu nhi, với một kỹ thuật, một phép màu văn chương, đó là hư cấu hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này.
Một trong những kỹ thuật hư cấu là sàng lọc chất liệu, loại bỏ nhàm chán, giữ lấy những chi tiết độc đáo. Đứa bé trong Lớn rồi hết sợ đã ăn cả trăm bữa cơm nghèo, nhưng Hồ Anh Thái chỉ chọn kể một bữa tối mất điện, nhai mãi con sên không thành miếng thịt, mới gây được cảm giác ghê ghê cho người đọc thiếu nhi hôm nay.
Nhà văn Kim Hài có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi được yêu thích từ trước năm 1975 đến nay. Chị chia sẻ: "Muốn viết cho thiếu nhi không cần cất công tìm kiếm xa vời. Tất cả chất liệu để xây dựng một tác phẩm đầy rẫy xung quanh ta. Cũng như tác phẩm viết cho người trưởng thành, các em đòi hỏi tác phẩm ấy phải sử dụng các chất liệu mà các em đang sở hữu bằng nghe, nhìn, hiểu. Trong thời đại mà công nghệ thông tin chiếm lĩnh, chỉ một nhích chuột là các em có thể sưu tầm, tra cứu nhanh chóng. Người viết không thể phiến diện với suy nghĩ đó chỉ là trẻ con, cứ phớt lờ là xong".
Chị nói thêm: "Trái lại, một tác giả phải nghĩ đến chuyện đối mặt và trả lời trung thực, chính xác những câu hỏi, thắc mắc mà các em sẽ đặt ra. Tác giả phải tự giả thiết đặt mình vào cương vị đứa trẻ và hòa mình vào thế giới của chúng. Cho dù đôi lúc có cả những câu hỏi ngây thơ đến không tưởng, những hành động khó chấp nhận, trái ngược hẳn nguyên tắc… Điều này đòi hỏi một nhà văn phải biết quan sát, suy luận và cập nhật vốn hiểu biết của mình ở mọi vấn đề thực tế. Đó là một đòi hỏi khó nhằn, bởi mỗi người có một giới hạn riêng".
Những bài học từ cuộc sống
Nhà văn Lê Luynh, tác giả chuyên viết truyện đồng thoại cho thiếu nhi, cho rằng: "Chất liệu cho truyện thiếu nhi chính là từ hiện thực cuộc sống hôm nay. Điều mà mỗi người viết nên suy nghĩ là cách làm sao để chuyển tải vào một cách hấp dẫn, gần gũi, được thiếu nhi yêu thích. Chuyện người lớn nhưng đưa vào kể cho trẻ con theo cách mềm mại, chuyển tải thông điệp ý nghĩa chắc chắn sẽ được trẻ con đón nhận".
Ví dụ truyện đồng thoại của Lê Luynh được chọn dạy trong sách giáo khoa lớp 1 là Cây bút và thước kẻ, kể về sự kiêu ngạo của cây bút. Cây bút cho rằng thước kẻ vô tích sự. Nhưng ngày kia, khi cần kẻ một đường thẳng, cây bút không thể nào kẻ nổi ngoài những đường nguệch ngoạc, xiên xẹo. Cây bút xin lỗi thước kẻ, cả hai hiểu ra giá trị của nhau, rằng trong cuộc sống không ai vô dụng.
"Thực chất tôi đã gặp tình huống y như câu chuyện này khi đã đi làm. Phía sau câu chuyện chính là hiện thực cuộc sống của tôi, tôi biến thành ngụ ngôn để chuyển tải điều mình muốn nói. Những thông điệp cuộc sống chọn kể cho trẻ con theo cách của trẻ, bằng truyện đồng thoại, rất dễ đi vào lòng độc giả" - nhà văn Lê Luynh tâm sự.
Cùng sự quan tâm với truyện đồng thoại, nhà văn Hồ Huy Sơn nhận xét: "Truyện đồng thoại của thế giới gửi gắm những câu chuyện tình thương, khát vọng tự do và lồng vào trong đó những bài học môi trường mà cuộc sống hiện tại các em đang quan tâm. Dù là tác phẩm đồng thoại nhưng Cô gà mái xổng chuồng, Chuyện con mèo dạy hải âu bay… không hề xa rời cuộc sống hôm nay. Trí tưởng tượng của những nhà văn viết truyện đồng thoại thế giới rất phong phú. Các tác giả Việt Nam cần có sự thay đổi để khai phá hết thế mạnh của thể loại được trẻ em yêu thích này".
Nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) nhìn một góc độ khác: "Ngoài viết cho thiếu nhi đọc, còn cần viết về thiếu nhi để những người lớn đọc và điều chỉnh mình, sống tốt hơn, đừng gây ra những bi kịch cho thiếu nhi. Đó là đề tài sống động, nóng bỏng hiện nay. Chất liệu cho thiếu nhi xung quanh chúng ta. Đừng khu biệt nhà văn viết cho thiếu nhi. Ai cũng nên viết cho thiếu nhi với một tấm lòng sẻ chia, yêu thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi cực kỳ khó, đòi hỏi sự dẫn dắt... Đây là trách nhiệm chung của chúng ta".
Các nhà văn tham gia tọa đàm - dù không viết cho thiếu nhi - cũng đồng quan điểm rằng: muốn xây dựng một nền văn học lớn, không thể thiếu văn học thiếu nhi. Vai trò quan trọng của mảng văn học này đang ngày càng được xem trọng với nhiều cuộc thi có chiều sâu, nhiều dự án ý nghĩa, dành cho cả người viết và độc giả nhỏ tuổi đang được triển khai, quan tâm.
"Ngoài viết cho thiếu nhi đọc, còn cần viết về thiếu nhi để những người lớn đọc và điều chỉnh mình, sống tốt hơn, đừng gây ra những bi kịch cho thiếu nhi" - nhà văn Trầm Hương.
Tags