(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như giới tính là một khái niệm mà một bên là nam, một bên là nữ, thì ở giữa hai cực đó là cả một dải cầu vồng với vô số những giới tính trung gian. Trong thể thao cũng vậy và giải thích tại sao việc xác định giới tính vận động viên là một vấn đề phức tạp.
Các trường hợp điển hình
Năm 1936, tại Olympic Berlin, nữ vận động viên người Mỹ là Helen Stephens đã bị nghi ngờ là đàn ông sau khi cô đánh bại vận động viên người Ba Lan là Stanisława Walasiewicz hay còn gọi là Stella Walsh trên đường chạy 100m. Năm 1932 ở Olympic Los Angeles, Walsh đã giành huy chương vàng ở nội dung 100m.
Về sau, các bác sĩ Đức đã kết luận Helen là phụ nữ đích thực. Còn Walsh được xác định là đàn ông khi người ta khám nghiệm tử thi sau việc vận động viên này bị giết trong một vụ cướp ở Mỹ vào năm 1980 vì có nhiễm sắc thể cả nam lẫn nữ và có bộ phận sinh dục nam.
Cũng tại Olympic 1936, vận động viên của Đức là Dora Ratjen đứng thứ 4 ở nội dung nhảy cao của nữ. Về sau, cô lập kỉ lục thế giới ở giải vô địch châu Âu năm 1938, trước khi được cảnh sát kiểm tra và kết luận là nam. Thực tế thì Ratjen giống như người liên giới tính. Mặc dù lớn lên là con gái, Ratjen sau đó lấy tên là Heinrich Ratjen.
Hay vận động viên chạy nước rút của Hà Lan là Foekje Dillema bị loại khỏi đội tuyển năm 1950 sau khi từ chối kiểm tra giới tính vào tháng 7 năm đó. Về sau, các cuộc kiểm tra cho thấy một nhiễm sắc thể Y đặc trưng của nam giới trong các tế bào cơ thể của cô và những phân tích khẳng định rằng, cô có lẽ là một phụ nữ bị biến đổi gien 46,XX/46,XY.
Hoặc trường hợp của chị em Tamara và Irina Press đã giành 5 huy chương vàng điền kinh Olympic cho Liên Xô cũ và lập 26 kỉ lục thế giới trong những năm 1960. Họ kết thúc sự nghiệp trước khi quy định kiểm tra giới tính áp dụng năm 1966. Mặc dù cả hai chị em đều được cho là đàn ông hoặc lưỡng tính, không có bằng chứng nào cho thấy khả năng chuyển giới ở đây.
Ngoài những trường hợp trên, thế kỉ 20 còn có Ewa Kłobukowska của Ba Lan, Erika Schinegger của Áo, Maria Jose Martinez-Patino của Tây Ban Nha. Sang thế kỉ 21, tại Asia Games 2006 tại Doha, vận động viên chạy 800m của Ấn Độ là Santhi Soundarajan bị tước huy chương bạc khi không vượt qua được vòng kiểm tra giới tính.
Còn tại giải điền kinh thế giới năm 2009 ở Berlin, Caster Semenya, vận động viên 19 tuổi người Nam Phi cũng bị nghi ngờ là đàn ông khi về đích trước người về nhì tới 2 giây ở cự ly 800m. Thực tế thì việc nghi ngờ giới tính của Semenya được đặt ra từ trước giải đấu này và Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã điều tra. Các xét nghiệm khoa học cho thấy Semenya có hàm lượng testosterone cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn phụ nữ bình thường.
Giữa tháng 9/2009, IAAF công bố kết quả xét nghiệm cho thấy Semenya là người lưỡng tính (mang cả hai giới tính nam và nữ), do đó có lợi thế về sức mạnh của người đàn ông khi thi đấu.
Hay vận động viên See Kim Dan của CHDCND Triều Tiên đã vô địch thế giới ở nội dung chạy 400m nhưng bị phát hiện là con trai nên thành tích bị hủy. Huy chương được thu hồi và bản thân See Kim Dan cũng nhận hình thức kỷ luật của IAAF.
Tranh cãi về phương pháp xác định giới tính
Theo tài liệu được công bố thì không rõ trong hay sau Olympic 1936 tại Berlin, chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ là Avery Brundage yêu cầu cần có một hệ thống nhằm kiểm tra giới tính của vận động viên nữ. Tờ Time trong một bài viết về lưỡng tính cho rằng, Brundage cảm thấy sự cần thiết phải làm rõ giới tính sau khi ông chứng kiến thành tích của vận động chạy và nhảy người Tiệp Khắc là Zdenka Koubkova, vận động viên ném đĩa và ném lao của Anh là Mary Edith Louise Weston. Cả hai về sau đã phẫu thuật chuyển giới và đổi tên thành Zdenek Koubek và Mark Weston.
Tuy vậy thì cũng phải đến năm 1950, các cuộc xét nghiệm giới tính mới được IAAF tiến hành bằng phương pháp kiểm tra cơ thể. Thời này, các vận động viên nữ được yêu cầu nude hoàn toàn trước một hội đồng các bác sĩ. Trong một thời gian dài, các cuộc kiểm tra chỉ áp dụng với những vận động viên nữ do người ta lo sợ vận động viên nam giả nữ để giành lợi thế trong các cuộc thi.
Năm 1960, nhằm hạn chế những trường hợp gian lận giới tính trong cuộc thi điền kinh, IAAF đã ban hành thủ tục xét nghiệm giới tính. Theo đó, các vận động viên phải trải qua cuộc khám phụ khoa. Cũng vì thế mà một số vận động viên thuộc diện nghi vấn trong thời điểm đó đã từ bỏ sự nghiệp thi đấu.
Quy chế ban hành năm 1960 vẫn còn đơn giản. Năm 1968, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã chọn phương pháp xét nghiệm tế bào để phân biệt giới tính. Qua đó, chỉ những người có nhiễm sắc thể XX mới được tham gia thi tại các cuộc thi dành cho nữ. Tuy nhiên, phương pháp này bị các nhà di truyền học phản đối vì họ cho rằng giới tính con người là vấn đề rất phức tạp và không chỉ được quyết định bởi bộ nhiễm sắc thể XX hay XY; có nhiều người không hoàn toàn tuân theo tiêu chuẩn thông thường về di truyền và thể chất để phân biệt hai giới.
Tuy vậy, các cuộc kiểm tra giới tính luôn gây tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự sỉ nhục các vận động viên nữ, vi phạm quyền con người và ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lí như gây ra chứng trầm cảm, thậm chí dẫn đến tự tử.
Đấu trường thể thao là nơi mà giới tính nhất định phải được chia làm hai: Nam và nữ. Mấy chục năm trước đây, người ta đã từng lột trần các vận động viên nữ để kiểm tra xem họ có phải là đàn ông đang tìm cách thi đấu gian lận hay không. Rồi phương pháp thô thiển này được nâng cấp lên thành kiểm tra nhiễm sắc thể giới tính. Nhưng cách này cũng không ổn, bởi vì những hội chứng bẩm sinh như AIS làm cho cơ thể, dẫu mang nhiễm sắc thể Y đặc trưng của nam giới, lại phát triển thành một phụ nữ. Những phụ nữ này có hàm lượng testosterone khá cao trong cơ thể, mà testosterone lại là một hormone có khả năng tạo ra lợi thế thi đấu. Thế là người ta nghĩ ra cách kiểm tra nồng độ testosterone, với hy vọng rằng bài kiểm tra giới tính sẽ đơn giản như một bài kiểm tra doping. |
Mạnh Hào
Tags