Quyết liệt với nguồn lực nhập tịch, ngoại kiều là điều cần thiết với đội tuyển Việt Nam nếu chúng ta nghiêm túc hướng tới mục tiêu World Cup kế tiếp vào 2026 hay 2030.
Ở Asian Cup 2023 vừa qua, Nguyễn Filip là một trong những cầu thủ Việt Nam chơi tốt nhất. Dù đội tuyển Việt Nam thủng lưới 8 bàn, thủ môn Việt kiều vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ sự chắc chắn, khả năng ra vào hợp lý, chơi tốt hai chân, phù hợp với triết lý kiểm soát mà HLV Philippe Troussier xây dựng.
Khả năng hoà nhập của Filip là cực kỳ ấn tượng khi anh mới nhập tịch cỡ nửa năm, vừa lên đội tuyển và Asian Cup là giải đấu đầu tiên.
Thành công của Filip cho thấy giá trị của những cầu thủ Việt kiều và nhập tịch thực sự chất lượng, chỉ dấu thay đổi tích cực mà đội tuyển sẽ có nếu sở hữu họ.
Tuy nhiên, hành trình lên đội tuyển của Filip cũng mang tới nhiều câu hỏi cho chúng ta. Thủ môn này đã nổi danh tại CH Czech vài năm trước và nhiều lần bày tỏ tham vọng lên đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, hàng rào thủ tục phức tạp đã khiến Filip không thể thực hiện nguyện vọng. Anh thậm chí sau đó đã lên đội tuyển CH Czech và suýt mất vĩnh viễn cơ hội ra sân cho Việt Nam. Phải tới khi về V-League, với những hỗ trợ đặc biệt của VFF và CLB chủ quản, Filip mới nhập tịch và lên đội tuyển Việt Nam thành công. Ngày chính thức lên đội tuyển Việt Nam, Filip đã 31 tuổi.
Những khó khăn mà Filip gặp phải là một thách thức với mọi cái tên nhập tịch và Việt kiều muốn về cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
LĐBĐ Việt Nam (VFF) cần mở rộng lưới tìm kiếm hết cỡ, cần hành động để những tài năng này về khoác áo đội tuyển Việt Nam nhanh nhất có thể. Họ phải được lên đội tuyển khi còn đỉnh cao, thậm chí có thể từ tuổi đôi mươi (giống như các tuyển thủ Indonesia ngoại kiều) hiện nay.
Phát hiện càng sớm, nhập tịch càng nhanh thì lợi ích họ mang lại cho đội tuyển càng nhiều. Chúng ta không thể hài lòng với những trường hợp như Filip lên đội tuyển năm 31 tuổi. Khi ấy, anh ta còn bao nhiêu thời gian cho đội tuyển Việt Nam?
Ra đa của VFF cũng cần mở rộng hơn để đội tuyển Việt Nam tiếp cận được những ngôi sao thực sự lớn, những cầu thủ ở đẳng cấp cao. Lấy Yohan Cabaye làm ví dụ, tiền vệ này có gốc gác Việt Nam nhưng mãi tới khi anh nổi tiếng, chơi hàng chục trận cho đội tuyển Pháp, chúng ta mới biết. Khi ấy, đã quá muộn.
Trên bình diện thế giới, cuộc cạnh tranh giữa các đội tuyển quốc gia cho nhóm cầu thủ mang nhiều quốc tịch đã diễn ra từ lâu. Đội tuyển lớn đương nhiên có cơ hội sở hữu các tài năng, nhưng đội tuyển nhỏ cũng có lợi thế riêng là giàu cơ hội hơn, môi trường ít cạnh tranh hơn.
Cuộc cạnh tranh giữa Pháp và một số đội tuyển châu Phi, cuộc cạnh tranh giữa chính Indonesia với Hà Lan hay Tây Ban Nha đều là những điển hình. Đó là khía cạnh mà bóng đá Indonesia đang làm cực tốt thời gian qua, kết quả là đội tuyển của họ tại Asian Cup 2023 có 3 hay 4 cựu tuyển thủ trẻ các lứa của Hà Lan.
Cuộc chơi này hoàn toàn chưa có bóng dáng của đội tuyển Việt Nam.
Chỉ bằng vài kỹ năng tìm kiếm đơn giản, chúng ta sẽ dễ dàng thấy tên tuổi những cầu thủ Việt kiều hoặc gốc Việt đang khoác áo Manchester United, Chelsea, Burley, Toulouse, rất nhiều người trong số này sinh sau năm 2000, thậm chí chỉ mới 2007.
Nghiên cứu họ, tiếp cận họ là điều VFF nên làm. Bao nhiêu người trong số này sẽ lớn lên thành các ngôi sao? Bao nhiêu người trong số này sẵn sàng lắng nghe đội tuyển Việt Nam? Và bao nhiêu người sẽ nâng tầm Việt Nam đến gần giấc mơ World Cup?
Con đường không phải là không có. Vấn đề là những người làm bóng đá Việt Nam có sẵn sàng bước đi.
Tags