(Thethaovanhoa.vn) - Hồi đầu năm 2019, báo chí đưa tin “NTK Đức Hùng lần đầu tiên thiết kế áo dài cho cầu thủ Văn Quyết, Đình Trọng”, trong đó có vài chi tiết đáng lưu ý: “Chia sẻ thêm về những họa tiết trên áo, NTK Đức Hùng cho hay: Trên thân áo được thêu các hình cánh én và những chú vẹt đủ màu sắc, điều này sẽ làm cho thiết kế thêm phần trẻ trung. Bên cạnh đó, dáng áo suông ôm gọn và được thiết kế theo kiểu truyền thống, bên trong phối cùng quần Jean và quần âu tạo sự năng động, gần gũi với những người trẻ”.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim" tại đây
1. Được làm việc với các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam, NTK Đức Hùng cũng bày tỏ: “Đức Hùng cùng Đình Trọng, Văn Quyết gặp nhau đã có phút giây thoải mái. Đình Trọng, Văn Quyết thích thú với tà áo dài Việt Nam, đặc biệt buổi ghi hình diễn ra rất đặc biệt. Với Đình Trọng thì tôi thấy cậu ấy khá nghệ sĩ, luôn thân thiện, cười tươi. Còn Văn Quyết ít nói, nhưng khi làm việc thì các bạn rất chuyên nghiệp”.
Trong hai đoạn trên có hai cụm từ tôi đặc biệt để tâm:
- Dáng áo suông ôm gọn và được thiết kế theo kiểu truyền thống.
- Đình Trọng, Văn Quyết thích thú với tà áo dài Việt Nam.
- Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống: Cái nhìn phiến diện về áo dài nam
- Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'
Về bộ trang phục truyền thống, năm 1744, chính chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho tà áo dài nam năm thân. Nó được coi là truyền thống bởi nhà Nguyễn kế nghiệp, có công hoàn thiện, trải dài suốt hơn 200 năm. Nó là bộ Quốc phục của Việt Nam bởi chính lệnh do chúa, vua ban, có hiệu lực lâu dài.
Sang đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), trang phục áo dài ngũ thân đã được kế thừa và phát triển đến mức toàn thiện, từ kiểu dáng đến cách ứng xử với nó, được quy định cụ thể về mũ áo từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung giai, hoàng thái tử, hoàng tử, hoàng thân… đến tôn sinh, võ cử, nhân dân, thông lệ về mũ áo trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ - Quyển 78 do Nội các triều Nguyễn, BXB Thuận Hóa ấn hành năm 2005, từ tr. 123 - tr.148.
Sao lại gọi là áo dài 5 thân? Bởi vì thời đó, khổ vải chỉ rộng từ 35 - 55cm, buộc phải gá viền, nối sống vải lại với nhau, bao gồm 2 thân trước, 2 thân sau và 1 thân con bên trong phía tay phải. Về tạo hình, tấm thân con (thân thứ 5) nhỏ hơn thân bên ngoài, có chức năng kéo tấm vải phủ trùm hết vai phải, ôm khít lấy vai và ngực bên phải. Về thẩm mỹ, sau khi cài đủ 5 khuy, ngực của người đàn ông trở nên vạm vỡ hơn.
Cổ áo đứng tròn, vuông cạnh, cao 4cm (1 tấc ta xưa), khi mặc ôm vừa vặn lấy cổ tạo thành nét kín đáo, lịch sự, nghiêm túc. Chiếc áo có 5 khuy cài, gồm 1 khuy ở cổ, 1 khuy ở xương đòn bên phải, 3 khuy còn lại được đính khéo léo ở dọc sườn phải cách đều nhau. Khổ vải tuy hẹp, nhưng được phủ hết vai xuống đến khuỷu tay. Một đoạn vải nữa được nối từ khuỷu tay tới quá cổ tay chừng 2cm, ống tay hẹp (bó chẽn). 2 thân trước của áo được để dài quá đầu gối chừng 5 - 7cm, lượn hình cánh cung, rất đẹp, nghệ thuật.
Vì được nối sống, đối sóng trước sau tạo nên dáng áo cứng cáp, oai nghiêm, đường vệ của đấng nam nhi quân tử. Tà áo dài 5 thân nam tuyệt nhiên không có nối cầu vai để tạo ra sự hài hòa, mềm mại. Thêm nữa, tấm vải phủ trùm hết vai làm cho form ngực của người đàn ông Việt ttrở nên vạm vỡ, khỏe khoắn, đầy sức sống.
Khi mặc áo, theo truyền thống, người đàn ông Việt bao giờ cũng mặc bộ quần áo lót màu trắng hoặc sáng màu tạo điểm nhấn cho bộ trang phục mặc bên ngoài. Thêm nữa, nó cũng tạo ra sự kín đáo, nghiêm túc cho người mặc nó.
Còn một điểm đáng lưu ý nữa, đã mặc áo dài 5 thân, người nho nhã, thư sinh, lịch thiệp bao giờ cũng phải dùng khăn vấn hoặc quấn rối trên đầu. Chiếc khăn không những để che đi mái tóc hoa râm, hói đầu hoặc tóc dài mà còn để lộ ra vầng trán cao, rộng, thanh tú.
2. Qua một vài nét mô tả về kiểu dáng áo dài nam 5 thân, chúng ta dễ dàng nhận diện ra thế nào là chiếc áo dài nam truyền thống. Nhưng khi xem 2 chiếc áo dài mà cầu thủ bóng đá Văn Quyết và Đình Trọng mặc trên người, ai cũng dễ dàng phát hiện ra sự khác biệt, từ cổ áo đã bị cắt lượn, nối cầu vai và vì lược bớt đi thân thứ 5 bên trong phía phải, nhà thiết kế ráp thân áo và ống tay áo bằng cách nối theo một đường chéo từ cổ áo xuống nách theo kiểu raglan Ấn Độ, thân trước chỉ còn 1 thân, cổ tay quá rộng và dài, đến đuôi áo để thẳng, không đội (quấn) khăn…
2 cháu xênh xang trong bộ trang phục áo dài, miệng cười rất tươi, dĩ nhiên chẳng hiểu chút gì về nguồn gốc xuất xứ của nó. Cứ được tặng, mặc và chụp ảnh là thích rồi.
Như vậy, nhìn từ lịch sử trang phục áo dài nam, những bộ trang phục của NTK Đức Hùng chỉ là sáng tạo mang phong cách riêng của nhà thiết kế này mà không phải là “chuẩn” truyền thống theo nghĩa thuần túy.
Trong cuốn Văn hóa phong tục, NXB Phụ Nữ, năm 2005, trang 130, mục “Đôi điều về Quốc phục, lễ phục”, nhà văn Hoàng Quốc Hải viết: “Quốc phục của một nước, tức là cách dùng các đồ vải vóc để may thành kiểu áo quần, được dân chúng trong cả nước chấp nhận, và sử dụng một cách ổn định qua nhiều đời. Vậy Quốc phục cũng là một nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc được kết tụ lại”.
Xu hướng sân khấu hóa áo dài nam Xin được nói thêm về sự giao thoa văn hóa, hiện nay, xu hướng may áo dài theo kiểu sân khấu hóa, cách tân đến mức mất hết nét đẹp truyền thống - bản sắc văn hóa riêng, vì hình như, hoặc nhà may hoặc người mặc quan tâm quá nhiều đến xu hướng thời trang, nghĩa là chỉ để ý đến phần chất liệu vải, hoa văn lòe loẹt thêu thùa hình rồng phượng hoặc thêu in bổ tử (một mảnh vải hình vuông đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của các quan trong triều thời quân chủ Việt Nam) để biến mình trở nên sang trọng nhưng như thế là họ nhầm. Chất liệu không phải là bản sắc văn hóa, nó chỉ là một phần, một thành tố tạo nên văn hóa chứ không quyết định giá trị của chiếc áo dài. Bản sắc văn hóa nằm ở khâu tạo hình và cách ứng xử của con người với chiếc áo dài nam 5 thân. Cụ thể, cách ứng xử phải là: khi ngồi, người mặc dạng 2 chân bằng vai, lưng thẳng tạo ra nét cương nghị, oai nghiêm. 2 thân trước được vuốt thẳng cùng với thân con bên trong phủ trùm xuống 2 chân tạo ra nét kín đáo, giản dị, khiêm tốn nhưng lại đoan trang trước người ngồi đối diện. Còn chiếc áo dài nam tân thời thì sao? Khi ngồi vắt chân chữ ngũ (五) là hoàn toàn sai, vì quá thiên về mặt thời trang nên dường như người mặc muốn khoe khoang, khoa trương hình thức. Hơn nữa, vì phá cách may giống của nữ, bó sát thân nên đậm chất nữ tính, làm mất hết phong thái đường vệ, oai nghi của người đàn ông. |
(Còn nữa)
Đinh Hồng Cường
Tags