Đi tìm ý nghĩa ẩn sau giày thủy tinh của Lọ Lem

Thứ Ba, 17/03/2015 13:46 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Ít ai biết “đôi giày thủy tinh” của nàng Lọ Lem tồn tại tới nay là do... lỗi dịch thuật. Ngoài ra, đôi giày còn đại diện cho… trinh tiết của Lọ Lem và nhiều điều thú vị khác.

Nếu câu chuyện gốc về cô gái Lọ Lem có từ khoảng 2.000 năm trước, là truyện cổ tích lâu đời nhất thế giới, thì hình tượng đôi giày thủy tinh mới chính thức xuất hiện lần đầu ở thế kỷ 17, trong phiên bản truyện kể của nhà văn Pháp Charles Perrault.

Phiên bản hoạt hình của hãng Walt Disney, xuất hiện vào năm 1950, đã đưa hình ảnh đẹp đẽ của đôi giày trở nên bất tử.

Đây chính là ví dụ điển hình cho một sáng tạo hiện đại lồng vào một câu chuyện kinh điển và vì quá hấp dẫn, bản thân sáng tạo mới cũng trở thành kinh điển. Đôi giày thủy tinh là biểu tượng cho khát vọng của những cô gái nghèo muốn vươn lên như Lọ Lem, của vẻ đẹp cao quý được trân trọng, và của cả ẩn ý tình dục - điều mà các truyện cổ tích chưa bao giờ thiếu.


Đôi giày thần kỳ của Lọ Lem trong bộ phim mới ra mắt

Giày thủy tinh hay giày lông thú?

Câu chuyện về cô gái nghèo, nhem nhuốc, bị ghẻ lạnh gặp hoàng tử và trở thành công chúa đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Khi đó nàng chưa được gọi là Lọ Lem (Cinderella). Phải đến khi tác giả người Pháp Charles Perrault kể lại câu chuyện vào năm 1697 với tên Cendrillon (Cinderella), truyện mới nổi tiếng với công chúng châu Âu. Hơn một thế kỷ sau, anh em nhà Grimm cũng kể lại phiên bản Lọ Lem của riêng họ, mang tên Aschenputtel.

Trong quá trình dịch chuyển qua các nền ngôn ngữ khác nhau, các học giả tin rằng yếu tố “giày thủy tinh” đã hình thành từ một sai lầm trong dịch thuật. Theo đó các dịch giả có thể đã nhầm từ “pantoufle de vair” (giày lông thú) trong tác phẩm gốc của Perrault với từ “pantoufle de verre” (giày thủy tinh).

Khó có thể biết được đây là lỗi dịch hay một thay đổi cố tình, nhưng đôi giày thủy tinh nhờ đó mà tồn tại và tô điểm thứ ánh sáng lấp lánh cao quý của nó vào hình tượng Lọ Lem.

Còn theo trang She Knows, sự biến đổi có thể xảy ra vì giày lông thú giống như một “ẩn dụ tuyệt vời và rõ ràng về bộ phận sinh dục của phụ nữ".


Chiếc giày bên trái được dùng trong phim Lọ Lem 2015 hiện được trưng bày ở tủ đồ phụ kiện của tạp chí Vogue.

Trinh tiết của Lọ Lem

Nhưng, dù là lông thú hay thủy tinh thì đôi giày vẫn không thoát khỏi những liên tưởng tình dục, từ các khán giả có trí tưởng tượng phong phú. Những học giả khác còn cho rằng Perrault cố tình đổi chất liệu đôi giày thành thủy tinh vì dụng ý cụ thể.

Ở nước Pháp trong thế kỷ 17, thủy tinh rất đắt tiền. Có lẽ đôi giày thủy tinh là ẩn dụ cho trinh tiết của Lọ Lem, thứ mà chỉ một người đàn ông với địa vị cao mới xứng đáng có được.

Trong phim điện ảnh mới nhất về Lọ Lem cũng có cảnh bà mẹ kế độc ác Lady Tremaine (Cate Blanchett đóng) đập vỡ một trong hai chiếc giày thủy tinh. Chi tiết đó tượng trưng cho nỗ lực phá vỡ hình tượng trinh nữ của Lọ Lem.

Hơn nữa, trong phiên bản truyện cổ Grimm của Lọ Lem, bà mẹ kế đã bắt 2 cô chị phải cắt đi ngón chân và gót chân của mình để đi vừa đôi giày. Cuối cùng, chân họ đổ máu dính lên cả đôi giày và bị hoàng tử phát hiện, gửi trả về cho mẹ. Hình ảnh máu chảy lên đôi giày cũng thể hiện trinh tiết đã mất, minh chứng cho việc 2 cô chị đã không còn trinh trắng.

Ngoài sự trong trắng thể xác, đôi giày thủy tinh còn là biểu tượng cho sự trong sáng về tâm hồn của Lọ Lem.

Giày dễ vỡ có vỡ không?

Nhân dịp Lọ Lem phiên bản điện ảnh năm 2015 ra mắt, đã có những bài báo phân tích về khía cạnh khoa học của đôi giày. “Liệu Lọ Lem có thể thoải mái bước đi và khiêu vũ trên đôi giày thủy tinh?” là tên một bài viết trên tạp chí Slate.

Tiến sĩ Antariksh Bothale, tác giả bài viết đã tính toán ra độ mạnh ước lượng của lực tác động đến đôi giày nếu Lọ Lem nặng 50kg và có diện tích bàn chân là 150 cm vuông - khá bé so với kích cỡ chân nữ giới ngày nay. Lực nén lên đôi giày nếu Lọ Lem đứng yên vào khoảng 30kPa (kilopascal), tương đương một hoạt động khá nhẹ trong đời sống thường ngày của con người.

Nhưng rủi ro nằm ở những lúc Lọ Lem hoạt động mạnh hơn, như khi nàng bước đi, nhảy hay thậm chí chạy trốn vào cuối bữa tiệc. Vì thế, Bothale khuyến cáo nên sử dụng loại kính an toàn (có kết hợp với chất dẻo) để sản xuất giày cho Lọ Lem, đảm bảo an toàn cho nàng khi di chuyển lẫn chạy trốn, để đôi giày không vỡ nát gây nguy hiểm cho đôi bàn chân và phá hỏng chiếc váy tuyệt đẹp.

Mặc dù vậy, nhiều khán giả thích cách giải thích phi khoa học và vẫn được chấp nhận hàng trăm năm nay hơn: “đó là một đôi giày thần kỳ”. Nhờ phép màu của bà tiên đỡ đầu, những người bạn động vật của Lọ Lem biến thành người, nên không có gì khó hiểu khi nàng bước đi ngon lành trên đôi giày dễ vỡ.

Giày thủy tinh bước ra đời thực

- Tạp chí thời trang Vogue (Mỹ) đã mang chiếc giày bên chân trái của Lọ Lem trong bộ phim mới ra mắt về trưng bày ở tủ giày của tòa soạn. Chiếc giày được thiết kế tinh xảo và duyên dáng, được đặt giữa những đôi giày sang trọng khác. Các biên tập viên của Vogue đã thi nhau đi thử, nhưng không ai trong số họ xỏ vừa giày (và lấy được hoàng tử).

- Thương hiệu thời trang xa xỉ Jimmy Choo tung ra mẫu thiết kế giày thủy tinh mới nhất của họ nhân dịp Lọ Lem ra mắt. Đôi giày có giá 4.595 USD (gần 98 triệu đồng) được bán ở New York, Paris và Milan.

- Không chỉ Jimmy Choo, các nhà thiết kế hàng đầu khác như Paul Andrew, Alexandre Birman, Rene Caovilla, Salvatore Ferragamo, Nicholas Kirkwood, Charlotte Olympia, Jerome C. Rousseau và Stuart Weitzman cũng tham gia vào cơn sốt Lọ Lem, khi đồng loạt công bố bản thiết kế đôi giày thủy tinh của riêng họ.

Hạ Huyền (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›