(Thethaovanhoa.vn) - Trên hết, trong dịch bệnh, mỗi người cần sống có trách nhiệm hơn, tử tế hơn, vì cộng đồng nhiều hơn, phần nào đó để xứng đáng với những người đang quên mình lao vào tâm dịch chiến đấu với loại virus chết người.
Khoảng một tháng qua là quãng thời gian cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, ở mức độ nhiều ít đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi do virus nCoV và tất nhiên, đó đa phần là những ảnh hưởng tiêu cực.
Nhưng xét dưới một góc độ nào đó, dịch bệnh, dù không mong muốn, cũng đã trở thành một phép thử cho những gì mà nếu như cuộc sống cứ bình yên trôi qua sẽ không thể có một câu trả lời rõ ràng, nhất là trong thời buổi nhiễu loạn thông tin ở rất nhiều chiều.
- Dịch bệnh do chủng mới virus corona: Thông tin nCoV lây lan qua bụi khí là không chính xác
- Thông tin mới nhất về dịch bệnh do virus corona: Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm thứ 14
- Dịch viêm đường hô hấp cấp do corona: Chuyên gia cảnh báo thêm dấu hiệu đặc trưng của người nhiễm corona
Đối tượng đầu tiên phải đối mặt với phép thử khắc nghiệt này chính là ngành y tế với hệ thống y tế dự phòng và khả năng ứng phó với dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam đang vận hành tốt, dịch bệnh vẫn đang được khống chế không để lây lan trên diện rộng. Với những kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh SARS và nhiều dịch bệnh khác trước đây, ngành y tế Việt Nam vẫn tạo được độ tin cậy cho người dân trong nước cũng như với dư luận quốc tế.
Ngành kinh tế cũng đang nhận được thuốc thử liều cao. Nông sản nhiều năm qua đã được biết đến với tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường, khi thỉnh thoảng thị trường nước bạn “trở mình” thì dưa hấu hay thanh long lại ùn ứ ở cửa khẩu và lại cần một đợt giải cứu. Nhưng lần này, việc cùng một lúc tất cả các nông sản đều chịu chung số phận khi cửa khẩu phải đóng lại vì lý do phòng chống dịch bệnh, chúng ta càng thấy rõ hơn, đã đến lúc các nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh) thực sự cần bắt tay nhau để có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn nhằm giải bài toán này.
Cũng liên quan tới kinh doanh, dịch bệnh một lần nữa đặt ra những câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là khi nhiều cửa hàng tăng giá bán khẩu trang vô tội vạ. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc với sự quyết liệt, bằng chứng là chỉ trong 3 ngày (từ 31/1 đến 2/2) đã có tới hơn 1.200 cửa hàng bị xử lý.
Dịch bệnh cũng khiến cơ quan quản lý văn hóa gấp rút ra văn bản dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc để tránh tập trung đông người. Có lẽ đây là lần đầu tiên ngay sau Tết, mùa lễ hội nhưng tất cả các lễ hội đều bị dừng lại. Nhưng đây cũng chính là dịp để nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và chứng minh một thực tế rằng: Nếu cần thiết, bất cứ lễ hội nào cũng có thể bị đình chỉ, chính vì vậy đừng vin vào cớ “văn hóa truyền thống” để tiếp tục duy trì những lễ hội đã bị thương mại hóa hay nhuốm màu bạo lực, mê tín và đi ngược lại những giá trị văn minh.
Một lĩnh vực nữa cũng nhận được thuốc thử liều cao trong lần này, đó là thông tin. Với sự bùng nổ của công nghệ, giờ đây bất cứ ai cũng có khả năng truyền đạt thông tin đến hàng nghìn, hàng vạn người và nhiều hơn thế nữa mà không cần phải có “vị trí” hay “tài năng” gì đặc biệt. Nhưng cũng chính từ đó, trách nhiệm của mỗi người càng được đặt cao lên hơn bao giờ hết. Mỗi lời nói trên mạng xã hội giờ đây đã khác xa với những lời “đại ngôn” hay ngẫu hứng lúc trà dư tửu hậu. Trong thời gian qua, đã có gần hơn 170 người bị cơ quan chức năng xử lý khi có những phát ngôn sai lệch về dịch viêm phổi do virus nCoV. Cả những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên cũng bị gọi tên lần này.
Cùng với những thay đổi của toàn xã hội và nhất là sự kiện các trường học cho học sinh nghỉ dài ngày, mỗi gia đình chắc chắn cũng chịu một phép thử. Đó là sắp xếp lại công việc của cả gia đình để “ứng phó” với lịch học, lịch sinh hoạt bị đảo lộn trong dịch.
Và tất nhiên, dịch bệnh ngay cả khi không lây lan trên diện rộng cũng là phép thử cho mỗi người, là dịp để xem xét lại bản thân từ sức khỏe cho đến việc sinh hoạt, làm việc. Trên hết, trong dịch bệnh, mỗi người cần sống có trách nhiệm hơn, tử tế hơn, vì cộng đồng nhiều hơn, phần nào đó để xứng đáng với những y bác sĩ đang quên mình lao vào tâm dịch chiến đấu với loại virus chết người.
Chắc chắn ở mỗi góc độ, mỗi công việc, mỗi cách nhìn, mỗi người đều thấy cho mình những điều đáng suy ngẫm sau phép thử lớn này...
Quang Lê - Báo Chính phủ
Tags