(Thethaovanhoa.vn) - Nhận định dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn, cùng với phương án cách ly tại nhà hoặc trạm y tế, Hà Nội đang tính đến các phương án cách ly trên diện rộng… nhằm ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Cách ly là biện pháp số 1
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đến ngày 13/3, Trung tâm đã lấy 3.236 mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19, trong đó 2.240 mẫu lấy tại khu cách ly tập trung, tất cả đều cho kết quả âm tính. Hiện có 2.240 người đã hoàn thành thời gian cách ly, trở về với gia đình. Những ngày tới, Trung tâm tiếp tục lấy 996 mẫu xét nghiệm nhằm sớm phát hiện những ca lây bệnh để thực hiện cách ly, hạn chế nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính của các ca nghi ngờ giúp cơ quan chức năng tập trung rà soát, xác minh, phân loại, cách ly có “trọng tâm, trọng điểm”. Tuy nhiên, những người đã có kết quả xét nghiệm bước đầu âm tính với virus SARS-COV-2 không có nghĩa là không phát bệnh mà vẫn phải theo dõi, giám sát chặt chẽ ít nhất 14 ngày.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm, hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội mới chỉ có thể làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19, sau đó phải gửi kết quả đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm lại để khẳng định. Trung tâm đang trình hồ sơ lên Bộ Y tế để xin phép được xét nghiệm khẳng định COVID - 19.
Công tác cách ly hiện nay là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch COVID-19 khi thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh. Do đó, để khống chế dịch bệnh cần sự tự giác của tất cả những người đi từ vùng dịch về, người nghi ngờ mắc COVID - 19 trong việc khai báo, cách ly. Việc tự giác cách ly của người dân vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cần sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, phải “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để phát hiện người đi từ vùng dịch về, người tiếp xúc với người nghi ngờ mắc COVID-19 để theo dõi, giám sát, cách ly.
F2 và F3 tốt nhất là cách ly tại nhà
Liên quan đến việc tổ chức cách ly, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng,chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) của Hà Nội sáng 13/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, tất cả các trường hợp tiếp xúc với người ngờ mắc COVID - 19, tiếp xúc của tiếp xúc từ F1 đến F3 cần thực hiện nghiêm túc việc cách ly, trong đó những người F1 (tiếp xúc gần với bệnh nhân) được cách ly tại bệnh viện, còn F2 (tiếp xúc gần với F1), F3 (tiếp xúc gần với F2) được cách ly tại nhà, không đi ra ngoài, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn, ở trong phòng mở cửa thoáng.
“Nhiều biện pháp cách ly khác nhau đã được các nước đang có dịch COVID - 19 áp dụng nhưng hiệu quả nhất vẫn là cách ly tại nhà. Việc cách ly trên diện rộng tại nhà và các trạm y tế, nếu người cách ly thực hiện nghiêm túc sẽ hạn chế được nguy cơ lây chéo”, ông Nguyễn Đức Chung phân tích.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, đến 18 giờ 30 phút ngày 12/3, trên địa bàn thành phố còn 2.402 người đang được cách ly tại nhà; 365 người được cách ly tại cộng đồng do đến từ Hàn Quốc, 242 người phải giám sát.
Chuẩn bị phương án cách ly diện rộng
Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết, lực lượng Công an thành phố đang rà soát, xác minh các đối tượng từ F1 đến F4 liên quan đến những người có kết quả dương tính với virus SARS-COV-2 và toàn bộ hành khách trên chuyến bay VN0054 để có biện pháp xử lý, cách ly theo quy định.
Ngoài đoạn phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) hiện tại các nhà từ số 125 đến số 139 đang được phong tỏa cách ly. Công an thành phố cũng tính đến các phương án cách ly cả một cụm dân cư, khu phố, tương ứng với từng tình huống cụ thể của dịch bệnh COVID - 19.
- Chính thức ra mắt app COVID-19 thông tin về dịch bệnh
- Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 5/4
- Dịch COVID-19: Vietnam Airlines thông tin tiếp viên trở về từ Anh vào ngày 9/3
Đại diện quận Thanh Xuân cho biết, quận cũng đang xây dựng phương án cách ly từng tòa chung cư, cụm dân cư. Hiện tại quận đã chuẩn bị phòng cách ly tập trung tại các trạm y tế, trung tâm y tế để sẵn sàng tiếp nhận cách ly.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn gửi giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống dịch COVID -19, tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng phương án, tính toán năng lực để đáp ứng một cách cao nhất trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng phương án cách ly tổ dân phố, thôn, xóm, xã, phường để chống dịch COVID -19.
Cùng với đó, các địa phương phải khẩn trương chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly ngoài cơ sở cách ly của Quân đội, Công an; đảm bảo đáp ứng đủ trang thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở y tế và tại cơ sở cách ly tập trung; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục tổ chức tốt việc cách ly đủ 14 ngày theo quy định tại các cơ sở cách ly tập trung của Quân đội; xây dựng phương án dự phòng địa điểm, cơ sở cách ly, chỗ ở, nhu yếu phẩm đảm bảo tiếp nhận, thực hiện cách ly người về từ vùng dịch trong thời gian tới và khi triển khai cách ly diện rộng.
Công an thành phố cần tiếp tục tổ chức việc cách ly tập trung đối với người nước ngoài theo quy định tại Bệnh viện Công an thành phố, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và sinh hoạt. Lực lượng Công an cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trường hợp có tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, tiếp xúc với người tiếp xúc... để tổ chức cách ly theo quy định. Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã đảm bảo an ninh - trật tự cho quá trình tổ chức cách ly; xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự đối với các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, làm mất ổn định xã hội.
Tuyết Mai
Tags