Dịch COVID-19 ngày 6/5: Thế giới có hơn 3,75 triệu ca bệnh, hơn 259.000 người đã tử vong

Thứ Tư, 06/05/2020 22:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 3,75 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tính đến 21h ngày 6/5, giờ Việt Nam, trong đó có hơn 259.000 người đã tử vong.   

 Dịch COVID-19: Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ

Dịch COVID-19: Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ

Mặc dù hơn 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo số liệu của web chuyên về thống kê worldometers.info, đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số ca nhiễm virus SARS-COV-2 và số ca tử vong vẫn là Mỹ, với hơn 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 72.000 ca tử vong. Dịch bệnh tại Mỹ hiện vẫn bị cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế.   

Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, vùng Washington hiện đứng trước nguy cơ trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh tại Mỹ. Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong. Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định tỉ lệ thất nghiệp ở nước này có thể tăng lên mức cao nhất kể từ thập niên 1940, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trong quý II/2020 do tác động của đại dịch.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Washington DC., ngày 28/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, dịch bệnh có nhiều dấu hiệu diễn biến phức tạp ở các khu vực Mỹ Latinh trong 24 giờ qua. Số ca mắc bệnh tại Mexico đã tăng thêm 1.120 ca, nâng tổng số lên 26.025 ca, trong đó có 2.507 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp và sắp bước vào đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã kêu gọi các bác sỹ và y tá nghỉ hưu chung tay đẩy lùi dịch bệnh và cho phép các cơ quan chức năng ký hợp đồng thuê bác sỹ nước ngoài để bù đắp cho số lượng bác sỹ và y tá thiếu hụt trong nước.

Tại khu vực Trung Mỹ, số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 10.637 ca bệnh, trong đó có 324 ca tử vong. Peru, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực sau Brazil, ngày 5/5 ghi nhận số ca nhiễm vượt 50.000 người. Colombia thông báo có hơn 8.600 ca, trong đó có 378 ca tử vong. Tổng thống nước này Ivan Duque ngày 5/5 tuyên bố gia hạn lệnh cách ly bắt buộc thêm 2 tuần, tức đến ngày 25/5.    

Tại châu Âu, ngày 6/5, Nga ghi nhận thêm 10.599 ca nhiễm, đưa tổng số lên 165.929 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm trong ngày tại Nga là hơn 10.000 ca. Có khoảng 40% số bệnh nhân mới không có biểu hiện lâm sàng.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 2/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đức, báo cáo mới nhất của Viện bệnh dịch truyền nhiễm Robert Kock (RKI) cho thấy nước này đã ghi nhận thêm 947 ca nhiễm và 165 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong ở Đức lần lượt là 164.087 ca và 6.996 ca. Thông tin trên được công bố trong bối cảnh nhiều bang nước này đã bắt đầu nới lỏng lỏng các biện pháp hạn chế.   

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ sụt giảm 7,7% trong năm nay vì những hậu quả thảm khốc của đại dịch COVID-19. Gọi đây là đợt suy thoái "lịch sử", EC nhận định nền kinh tế của khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này sẽ dần phục hồi và tăng trở lại 6,3% vào năm 2021, song không đồng đều trên toàn châu lục.   

Tại châu Á, ngày 6/5, học sinh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - điểm khởi phát dịch COVID-19, đã quay trở lại trường học. Tuy nhiên, chỉ có những học sinh lớp cuối được quay trở lại trường để tiếp tục việc học tập, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Các học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở tại Vũ Hán vẫn tiếp tục nghỉ học. Ở các địa phương khác tại Trung Quốc, nhiều trường học đã mở cửa trở lại hồi tháng 4. Các thành phố lớn của Trung Quốc đang dần quay trở lại hoạt động bình thường sau khi áp đặt hạn chế đi lại nghiêm ngặt và đóng cửa phần lớn nền kinh tế để kiểm soát dịch COVID-19.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội khi các ca mắc mới liên tục duy trì ở mức dưới 10 ca trong những ngày qua, chính quyền thủ đô Seoul ngày 6/5 đã mở lại các điểm văn hóa công cộng, trong đó có các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện, sau gần 10 tuần tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh. Chính quyền thủ đô Seoul cho biết việc mở lại các địa điểm trên sẽ diễn ra dần dần, theo đó, du khách muốn tham quan sẽ phải đặt trước qua hệ thống. Ngoài ra, các giải đấu và sự kiện thể thao lớn cũng sẽ được triển khai trở lại với điều kiện không có khán giả.   

Cũng trong ngày 6/5, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đưa ra hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố nước này thực hiện nới lỏng các biện pháp hạn chế để từng bước thúc đẩy hoạt động kinh tế và xã hội. Theo đó, từ ngày 7/5, các cơ sở kinh doanh tại 34 tỉnh, thành phố không thuộc diện cảnh báo đặc biệt có thể được dỡ bỏ hạn chế thời gian kinh doanh nếu đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch.          

Nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn ghi nhận số ca nhiễm tiếp tục tăng. Tính đến chiều 6/5, Singapore ghi nhận thêm 788 ca mới, nâng tổng số lên 20.198 ca, cao nhất khu vực. Tính từ ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1, sau khoảng 13 tuần, Singapore ghi nhận số ca nhiễm lên hơn 10.000 người vào ngày 22/4. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần qua, số ca nhiễm đã tăng gấp đôi.    

Tại Philippines, tổng số ca nhiễm đã vượt mốc 10.000 ca. Malaysia và Indonesia dù vẫn ghi nhận thêm các số ca nhiễm mới trong ngày 6/5 những cũng đã có những diễn biến tích cực hơn. Malaysia thông báo thêm 45 ca nhiễm mới nhưng cũng có thêm 135 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus sau quá trình điều trị, nâng tổng số ca phục hồi tại nước này lên 4.702 ca, chiếm 73,1% trong tổng số ca nhiễm. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Giô-cô Uy-đô-đô) đặt mục tiêu “san phẳng” đường cong biểu đồ dịch bệnh tại quốc gia này trong tháng 5 này và khống chế các ca nhiễm mới trong tháng 6 tới.   

Từ đầu tháng này, Thái Lan bước vào giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới ngày 31/5. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan tiếp tục chuyển biến tích cực khi quốc gia Đông Nam Á này hai ngày liên tiếp chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm mới.

Như vậy, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.989 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 55 trường hợp tử vong. Quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại tiếp theo sau khi cho phép một số địa điểm kinh doanh khôi phục hoạt động. Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản Thái Lan (OBEC) đã quyết định để từng trường học lựa chọn mở cửa trở lại vào ngày 1/7 hoặc sử dụng phương pháp giảng dạy từ xa qua truyền hình và trực tuyến. OBEC cho biết các trường học muốn mở cửa thì trước tiên sẽ phải được phép từ các tỉnh trưởng.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›