(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 7h30 sáng 28/4, trên thế giới có tổng cộng 3.059.298 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 211.219 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 813.789 người.
Diễn biến dịch đang có chiều hướng thuyên giảm. Một nửa số ca tử vong trên thế giới là ở châu Âu, với 126.000 người.
Tuy nhiên, một số nước bị ảnh hưởng nhất ở châu Âu đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày giảm, cho phép các chính phủ cân nhắc khả năng nới lỏng các lệnh phong tỏa vốn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
- Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật
- Thủ tướng Anh xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị COVID-19
- Trung Quốc nới lỏng quy định về xuất khẩu vật tư y tế phục vụ chống dịch COVID-19
Tại Italy, ngày 27/4, Cơ quan Dân phòng nước này cho biết số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm từ 2.324 ngày 26/4 xuống còn 1.739 ngày 27/4. Đây là số ca nhiễm thấp nhất được ghi nhận trong 24 giờ kể từ ngày 10/3. Số ca phải điều trị tích cực cũng giảm từ 2.009 ca ngày 26/4 xuống còn 1.956 ca, và số ca phục hồi tăng lên 64.928 ca.
Italy là nước ghi nhận nhiều ca tử vong thứ hai thế giới, hiện là 26.977 sau khi có thêm 333 ca tử vong mới trong ngày 27/4. Đến nay, Italy đã xét nghiệm cho tổng cộng 1,237 triệu dân, tăng so với 1,211 triệu người một ngày trước đó.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (Giu-xép-pê Côn-tê) thông báo từ ngày 4/5 tới, Italy sẽ từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã áp dụng 7 tuần qua.
Tây Ban Nha cũng thông báo 331 ca tử vong mới trong ngày 27/4, tăng nhẹ sau hơn một tháng ghi nhận số tử vong trong một ngày ở mức thấp nhất. Các nhà chức trách cho biết thời điểm dịch lên tới đỉnh điểm là ngày 2/4, khi số ca tử vong ghi nhận 950 người.
Tuy nhiên, chính quyền cảnh báo các bậc cha mẹ không nên bỏ qua các quy định về cách ly khi con em mình được phép ra ngoài.
Bộ Y tế Pháp đã ghi nhận 437 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 23.293 ca. Số ca nhiễm đến sáng 28/4 là 165.842 ca. Pháp cũng đang cân nhắc từng bước mở cửa trường học, song các quán cà phê và nhà hàng hiện vẫn phải đóng cửa.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận 1.303 ca tử vong trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm tính đến sáng 28/4 theo giờ Việt Nam là 1.008.260. Một số bang ở Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ảnh để thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New York (Niu Y-oóc) vì lo ngại những rủi ro liên quan đến dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cho biết công tác điều trị cho những người nhiễm bệnh đạt được những kết quả nhất định khi khoảng 9.566 người đã hồi phục hoàn toàn. A
CDC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của các quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tính đến 17h00 ngày 27/4 (giờ địa phương), số ca nhiễm tại châu Phi đã lên đến 31.933 (từ mức 30.329), trong đó 1.423 người đã tử vong. Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại 52/55 quốc gia của châu lục.
Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất, với 4.546 bệnh nhân, tiếp đến là các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập (4.534 trường hợp), Maroc (4.065 trường hợp) và Algeria (3.382 trường hợp).
Bích Liên - Quang Trường (TTXVN)
Tags