(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo đã phân công các thành viên, trong thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/2.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo khẳng định sự cần thiết phải thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly, kiểm soát nghiêm ngặt người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch để có thể giảm thiểu khả năng xâm nhập.
Theo đó, công dân Việt Nam về nước từ tỉnh Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Các trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam xuất cảnh từ các địa phương khác của Hàn Quốc (trừ những trường hợp mang hộ chiếu công vụ và đã được xác nhận không tới vùng dịch trong 14 ngày trở lại đây), khi nhập cảnh Việt Nam, sẽ được phỏng vấn bổ sung để chứng minh chắc chắn trong thời gian 14 ngày qua không đi qua tỉnh Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc), không tiếp xúc gần với những người có nguy cơ lây nhiễm. Các trường hợp cố tình khai báo không trung thực về nơi đến sẽ bị xử phạt nghiêm theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các gia đình có người thân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc trên địa bàn. Theo đó, các gia đình là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý, hỗ trợ người thân đang sống trong vùng dịch không hoang mang, lo lắng quá mức, cần khuyên người thân của mình tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo về dịch tễ và y tế của các cơ quan chức năng sở tại.
Theo quy định về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ vùng dịch hoặc đi qua vùng có dịch trong vòng 14 ngày qua. Những trường hợp vẫn có mong muốn nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo có ý kiến về việc, vừa qua, một số ít bộ, ngành, địa phương đã có phát ngôn chưa tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo. Những phát ngôn này có thể gây hoang mang đối với cộng động người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại vùng dịch, dẫn tới tâm lý muốn ồ ạt trở về Việt Nam; và cũng có thể tạo ra tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài đến từ vùng dịch. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương điều chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, tránh tạo ra tác động tiêu cực tới quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các công ty lữ hành và cơ sở lưu trú cần cung cấp các tài liệu hướng dẫn phòng dịch COVID-19 bằng ngoại ngữ phù hợp cho khách nước ngoài.
Đến ngày 26/2, tất cả 16 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi và xuất viện. Hiện 31 trường hợp đang nghi ngờ, được theo dõi, cách ly. 5.675 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, theo các điều kiện chống dịch COVID-19, tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa chính thức hết dịch. Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định để trình Thủ tướng công bố hết dịch tại các địa phương này. Từ ngày 13/2 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như cả nước không xuất hiện thêm bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song, Bộ Y tế khuyến nghị, các lực lượng chức năng và người dân cả nước không chủ quan, không lơ là, luôn sẵn sàng tâm thế có thêm ca bệnh mới, không chỉ một mà hàng chục, thậm chí hàng trăm ca. Tuy nhiên, việc điều trị, phòng chống dịch COVID-19 cần bình tĩnh bởi hiện nay hệ thống cơ sở y tế từ tuyến huyện, tuyến tỉnh đến Trung ương đã được “kích hoạt” với tinh thần “phát hiện, khoanh vùng và tập trung điều trị tại chỗ”.
“Thắng trận chiến dịch đầu nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng, không được chủ quan, phải cảnh giác cao hơn nữa,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo báo cáo Bộ Y tế, tính đến 15 giờ ngày 26/2, thế giới đã ghi nhận 81.018 trường hợp mắc COVID-19 tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc đã ghi nhận 78.066 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố.
32 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 2.952 trường hợp mắc gồm: Hàn Quốc 1.146 trường hợp, Italia 325 trường hợp , Nhật Bản 862 trường hợp (tàu Diamon Princess 691 trường hợp), Singapore 91 trường hợp, Iran 95 trường hợp, Hồng Kông (Trung Quốc) 85 trường hợp, Mỹ 57 trường hợp, Thái Lan 40 trường hợp, Đài Loan (Trung Quốc) 32 trường hợp, Malaysia 22 trường hợp, Bahrain 23 trường hợp, Australia 22 trường hợp, Đức 16 trường hợp, Việt Nam 16 trường hợp, Pháp 14 trường hợp, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất 13 trường hợp, Anh 13 trường hợp, Canada 11 trường hợp, Ma Cao (Trung Quốc) 10 trường hợp, Kuwait 9 trường hợp, Tây Ban Nha 7 trường hợp, Iraq 5 trường hợp, Oman 4 trường hợp, Ấn Độ 3 trường hợp, Philippines 3 trường hợp, Nga 2 trường hợp, Israel 2 trường hợp, Áo 2 trường hợp, Nepal 1 trường hợp, Sri Lanka 1 trường hợp, Campuchia 1 trường hợp, Phần Lan 1 trường hợp, Thuỵ Điển 1 trường hợp, Bỉ 1 trường hợp, Ai Cập 1 trường hợp, Isarel 2 trường hợp, Afghanistan 1 trường hợp, Croatia 1 trường hợp, Lebanon 1 trường hợp, Algeria 1 trường hợp, Thuỵ Sĩ 1 trường hợp.
Thế giới đã ghi nhận 2.764 người tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục 2.715 người, Hàn Quốc 12 người, Nhật Bản 6 người (trong đó tàu Diamon Princess 4 người), Philippines 1 người, Hồng Kông (Trung Quốc) 2 người, Italia 11 người, Pháp 1 người, Đài Loan (Trung Quốc) 1 người, Iran 15 người.
Diệp Trương
Tags