"Tri thức, cảm thụ văn học, cảm thụ nghệ thuật luôn là câu chuyện của biểu đồ hình Kim tự tháp. Và với một đời sống xã hội mới chỉ đang biến chuyển, cộng cùng một nền kinh tế (bao gồm cả ngành sách) đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cũng không lạ khi các mảng văn học kinh điển ở tầm cao vẫn còn hạn chế bạn đọc" - dịch giả Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ.
Khá nổi tiếng trong đời sống xuất bản với facebook Bình Bán Book, dịch thuật tưởng như nghề tay trái nhưng cũng lại là lĩnh vực rất yêu thích của Bình, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Gần nhất, tập tiểu luận kinh điển Ba bậc thầy của Stephan Zweig do anh chuyển ngữ (NXB Tri thức phát hành) đã nhận về những đánh giá khá tích cực sau khi ra mắt - cho dù đây là cuốn sách phần nào không "dễ nuốt" khi gắn với tư tưởng và cuộc đời của những tác giả lớn như Balzac, Dickens hay Dostoevsky...
"Ba bậc thầy" - ba sắc màu
* Stefan Zweig là tác giả truyện ngắn khá quen thuộc với độc giả Việt Nam, nhưng có vẻ như phần còn lại trong sự nghiệp của ông lại ít được quan tâm. Vậy đâu là lý do khiến anh chọn dịch "Ba bậc thầy"?
- Quả thật, cái tên Stefan Zweig được chúng ta biết đến qua những truyện ngắn, mà điển hình là 24 giờ trong đời một người đàn bà và Bức thư của người đàn bà không quen với bản chuyển ngữ của Dương Tường. Tuy nhiên số lượng đầu sách của Zweig được giới thiệu ở Việt Nam lại khá khiêm tốn. Các truyện ngắn được dịch chỉ là số ít tiêu biểu, còn mảng sách phi hư cấu thì hầu như ít được biết tới. Đây là điều đáng tiếc với một tác giả lớn, từng có lượng tác phẩm được chuyển ngữ nhiều nhất trên thế giới trong thập niên 1920.
Chọn dịch Ba bậc thầy - cuốn chân dung văn học về ba đại văn hào Balzac, Dickens và Dostoevsky - tôi muốn giới thiệu với người đọc một sắc màu khác của tác giả này. Thực tế, trong di sản đồ sộ của ông, ngoài những truyện ngắn, tác kịch, tiểu luận, hồi ký… chúng ta không thể bỏ qua mảng tác phẩm gây dựng nên tên tuổi của Stefan Zweig như một "người viết tiểu sử" lớn của nhân loại. Đó là khoảng 20 tựa sách về các đại văn hào (Balzac, Dostoevsky, Dickens, Stendahl, Tolstoy, Romain Rolland...), các triết gia (Nietzsche, Hölderlin...) hay các nhân vật lịch sử (Marie Antoinette, Joseph Fouché...).
* Cá nhân anh có thể chia sẻ ấn tượng về cách mà Zweig dựng nên chân dung của 3 nhà văn lớn trong cuốn sách?
Trong quá trình dịch, tôi cũng ép mình đọc nhiều các tác phẩm của ba văn nhân, với mong muốn cảm nhận sâu sắc hơn cách Stefan Zweig dựng nên chân dung ba tượng đài đó. Ông luôn luôn đặt câu chuyện của nhân vật vào bối cảnh của thời đại, dùng sự kiện của thời đại để lý giải cho phong cách của từng tác giả, dùng số phận của tác giả để giải thích cho tính cách nhân vật, rồi lại dùng hình tượng nhân vật của họ để nói lên tư tưởng của mỗi tác giả. Và không thể thiếu được sự so sánh tương quan giữa ba đại diện của các nền văn học Anh, Pháp, Nga này với nhau.
Ở đó, Balzac là sản phẩm của một xã hội Pháp thời đại Napoleon - một xã hội thay đổi tận gốc rễ, tạo nên những "Tấn trò đời" và Balzac là kẻ chinh phục thế giới trong văn chương, như Napoleon chinh phục thế gian ngoài sa trường.
Tương tự, Charles Dickens, là hiện thân của tinh thần Anh, con đẻ của kỷ nguyên Victoria, một công dân của một đất nước quy củ, thoải mái, dè dặt, một đất nước thiếu vắng đi sinh khí và đam mê thôi thúc.
Riêng Dostoevsky - vốn được nhiều ưu ái của Stefan Zweig trong tập tiểu luận này - là con người đầy bi kịch trên đất Nga: Trải qua một tuổi thơ khốn khó, từng bị đưa ra pháp trường rồi bị đày đi Siberia, cả đời túng thiếu, mắc chứng động kinh, luôn phải "bán non" tác phẩm từ khi chưa ra đời. Để rồi, tất cả lại hiện diện lại trong những kiệt tác của ông với những nhân vật vô cùng đặc biệt.
Nhìn chung, ba gương mặt lớn ấy là ba sắc màu. Như Stefan Zweig viết rằng các nhân vật và sự kiện của họ "có sức sống đáng kinh ngạc, đến nỗi ta thành ra gọi tên những cá nhân trong đời thực là hình mẫu Balzac, hạng người Dickens, bản tính Dostoevsky".
Ngoài cuốn sách Ba bậc thầy, Tuấn Bình từng dịch và ra mắt một số tác phẩm như Lịch sử của những cây cầu (Henry Grattan Tyrrell - NXB Tổng hợp TP.HCM), Nghệ thuật làm cầu (Henry Grattan Tyrrell - NXB Tổng hợp TPHCM), Lịch sử bóng đá bằng tranh (NXB Dân trí). Anh cũng từng biên soạn cuốn Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo (NXB Tổng hợp TP.HCM).
"Đường dài" của sách kinh điển
* Với sự thay đổi của đời sống, theo anh độc giả có hào hứng hơn với những cuốn sách thiên về khảo cứu thế này, thay cho những truyện ngắn dễ đọc, dễ cảm như "Bức thư gửi người đàn bà không quen"?
- Thật lòng, các tác phẩm khảo cứu nói chung chưa bao giờ dễ dàng đến với độc giả. Ngay trên lĩnh vực văn học, các tác phẩm kinh điển đến từ các đại văn hào - nhà tư tưởng cũng khó đến với đại chúng. Còn lại, tôi đồng ý rằng mọi thứ tất yếu đang và sẽ tốt dần lên theo thời gian.
Đó cũng là một lý do để tôi hi vọng ở Ba bậc thầy: Cách viết lôi cuốn, giàu cảm xúc và hình ảnh của Stefan Zweig sẽ thu hút thêm các độc giả yêu văn chương, yêu tư tưởng mà 3 tác giả được nhắc tới. Nói cách khác, đó là một cầu nối, một dẫn nhập để đến chúng ta đến với kho tàng văn chương kinh điển của nhân loại.
* Là giảng viên của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội nhưng anh từng được biết tới với những thành công bằng thương hiệu "Bình Bán Book" khi kinh doanh sách. Còn bây giờ, ở con đường của một dịch giả, anh chọn cái đích gì cho mình?
- Với tôi, dịch là học, là được một lần nữa đọc sâu, đọc kỹ tác phẩm. Dịch còn là kỷ luật rèn luyện để tiến bộ mỗi ngày. Là dịch giả, tôi thấy điều có ý nghĩa nhất là với mình là việc có cơ hội (hay ép buộc mình) đọc thêm một vài tác phẩm lớn nhân loại, làm giàu thêm thế giới tinh thần cho bản thân.
Còn cái đích xa hơn, quả thật tôi cũng muốn được tiếp cận dịch thuật các tác phẩm kinh điển văn học, giới thiệu các tác gia - nhà tư tưởng lớn còn ít được bạn đọc Việt Nam biết tới.
* Từ góc nhìn của mình, anh thấy chúng ta đã đạt tới mức độ nào - cả về chất lượng và số lượng - trong việc dịch những tác phẩm kinh điển của thế giới, như trường hợp Zweig, Balzac, Dostoevsky, Dickens… trong văn học?
- Ta chỉ cần đặt câu hỏi ví dụ: Có bao nhiêu nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, bao nhiêu tác phẩm lớn về chính trị - triết học cổ điển được dịch ra tiếng Việt?
Thật sự, các tác phẩm quan trọng được dịch còn rất ít, hoặc chưa đầy đủ - đặc biệt trên lĩnh vực phi hư cấu như triết học, tâm lý học, lịch sử. Ngay cả trong văn học, ta nói nhiều đến bộ Tấn trò đời của Balzac, nhưng thực sự dịch trọn vẹn đầy đủ chưa tới 10 tập trong hơn 130 tác phẩm của bộ này. Hoặc văn học Anh, ta chủ yếu biết chỉ biết Charles Dickens, trong khi có rất nhiều tác giả lớn trước và sau thời, đặc biệt là những người gây dựng nền văn chương thời đại Khai minh như Geoffrey Chaucer, Thomas Hobbes, Samuel Johnson...
* Chúng ta hay có tâm lý hoài niệm khi nói về thế hệ dịch giả cũ, với vốn văn hóa, sự uyên thâm, và nghiêm túc. Nhưng theo tôi, bối cảnh xuất bản khi trước cũng khác bây giờ quá nhiều. Vậy anh có thể thử nhận xét ưu và nhược của thế hệ dịch giả mới, đồng lứa với mình?
- Đọc các bản dịch xưa, tôi luôn cảm nhận được tình yêu, đam mê con chữ nơi các dịch giả ấy, và đặc biệt là niềm thôi thúc muốn giới thiệu văn minh thế giới tới bạn đọc Việt. Thời đại thay đổi, nhưng chắc chắn rằng thế hệ dịch giả thời nay muốn thành công vì vẫn cần phải có tình yêu với ngôn ngữ và văn chương như các tiền bối.
Ưu điểm của các dịch giả trẻ hiện nay mang dấu ấn thời đại: Được tiếp xúc với nguồn văn bản phong phú, có thể dễ dàng truy nguyên từ ngữ, kiến thức, bối cảnh của tác phẩm, từ đó họ có điều kiện dễ dịch thuật chính xác và nhanh chóng hơn.
Nhưng những ưu thế của thời đại và công nghệ không thể thay thế cho khả năng vận dụng ngôn ngữ và cảm thụ tác phẩm. Điều này cần trui rèn theo thời gian. Áp lực tiến độ, và đặc biệt hầu hết đều chỉ coi là "nghề tay trái", khiến cho người dịch ngày nay khó lòng tạo nên dấu ấn và chất lượng dịch thuật. Suy cho cùng, giống mọi công việc khác, thành công chỉ đến với những ai coi dịch thuật là công việc chuyên nghiệp và giành nhiều tâm huyết.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện
"Nhìn chung, kho tàng tri thức nhân loại mênh mông quá, hết cả một thế hệ sắp tới cũng chưa góp thêm vào kho tàng dịch thuật được là bao. Nhưng cái gì còn thiếu, chúng ta vẫn phải kiên nhẫn bổ sung dần" - dịch giả Nguyễn Tuấn Bình.
"Cẩm nang" đọc Balzac, Dickens và Dostoevsky
"Ba bậc thầy của Stefan Zweig xoay quanh 3 nhà văn lớn của nhân loại: Balzac, Dickens và Dostoevsky. Những độc giả lần đầu tiếp xúc với tác phẩm của 3 gương mặt này có thể phần nào sẽ thấy sách hơi nặng nề và khó đọc.
Là một người đọc như mọi người, và đã đọc gần như hầu hết tác phẩm từng được dịch của các tác giả đó, tôi mạn phép thử đưa ra một lộ trình thưởng thức tác phẩm từ thấp tới cao: đọc theo thời điểm trình tự sáng tác, bởi mỗi nhà văn đều có bước chuẩn bị, trưởng thành theo từng giai đoạn. Và càng về cuối sự nghiệp, tác phẩm của họ già dặn và đạt độ chín về tài năng và phút pháp.
Các cuốn sách được xếp theo thứ tự đọc ở mỗi tác giả:
- Về Balzac: Bộ Tấn trò đời của ông đồ sộ quá, hiện nay số lượng tác phẩm dịch trọn vẹn ở ta rất ít. Ta thật sự không có nhiều sự lựa chọn, tuy vậy một số tựa tiêu biểu cho phong cách Balzac là đây:
1. Eugénie Grandet (ngạc nhiên thay, Dostoevsky khi bắt đầu văn nghiệp đã dịch cuốn này!)
2. Những vinh nhục của Cesar Birotteau
3. Lão Goriot
- Về Charles Dickens: Các tác phẩm quan trọng chỉ mới gần đây được dịch thuật đầy đủ.
1. Oliver Twist
2. Khúc ca Giáng sinh
3. Những kỳ vọng lớn lao
4. David Copperfield
- Về Fyodor Dostoevsky: Các tác phẩm quan trọng nhất của ông đều đã được dịch đầy đủ (thậm chí nhiều bản dịch!). Thứ tự dưới đây là dành cho bạn bắt đầu làm quen với ông, hãy bước đi thật nhẹ nhàng và vững chãi.
1.Đêm trắng
2.Bút ký dưới hầm
3.Chàng ngốc
4.Lũ người quỷ ám
5.Tội ác và hình phạt
6.Anh Em nhà Karamazov"
(dịch giả Nguyễn Tuấn Bình)
Tags