(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/8, Nhã Nam vừa tổ chức buổi giới thiệu tập thơ mới của nhà thơ Dương Tường mang tên Dương Tường Thơ nhân sinh nhật tuổi 85 của ông tại Hà Nội.
- Tái bút của dịch giả Dương Tường
- Dịch giả Dương Tường: 'Kính phục Gunter Grass vì lòng can đảm'
- Dịch giả Dương Tường nói về 'giấc mơ' mang tên Proust
- 'Lolita' lại gây tranh cãi về chú thích: Dịch giả Dương Tường thừa nhận sơ suất
Đây là tuyển tập những sáng tác rải rác trong suốt quãng đời lao động viết văn của Dương Tường. Sách được chia làm bốn phần: Tôi đứng về phe nước mắt, Le soir est tout soupirs, At the Vietnam wall và Thơ thị giác.
Trả lời Thể thao & Văn hóa, nhà thơ Dương Tường cho biết đây là tập thơ cuối cùng, tập thơ tổng kết, tập thơ chắt lọc nhất của đời ông.
"Đời thơ của tôi đến đây là hết. Nàng thơ bỏ tôi đi rồi. Nàng thơ không bao giờ đến với tôi nữa...", nhà thơ Dương Tường xúc động. Dương Tường Thơ nói đúng ra đó là tuyên ngôn của tôi, tuyên ngôn về cách sống của tôi. Đó là: Tôi đứng về phe nước mắt!"
Phe nước mắt của Dương Tường rộng lắm, rộng đến mức ông tự cho là quá nửa nhân loại. "Phe nước mắt của tôi là những người đàn bà bất hạnh, những đưa trẻ mồ côi...", nhà thơ Dương Tường "tuyên ngôn. "Phe nước mắt của tôi còn là những người đã ngã xuống... Nói chung, phe nước mắt của tôi nhiều lắm".
Có thể nói, Dương Tường Thơ một lần nữa chứng minh cho người đọc về tài năng sử dụng ngôn ngữ của Dương Tường. Mỗi bài thơ, dù chỉ là một câu như Tôi đứng về phe nước mắt, hay những bài dằng dặc con chữ thì thơ ông luôn toát lên sự tự chủ, một sự riết róng trong thể nghiệm các hướng khác nhau của thi pháp.
Nó dẫn người đọc đến những trạng huống xúc cảm khác nhau, đôi khi là khó hiểu, đôi khi dẫn dụ đến những miền không gian vô định nằm bên ngoài vỏ ngôn ngữ, "không biết đâu là âm, đâu là nghĩa, đâu là hình thức, đâu là nội dung..." (Hoàng Hưng) mà rất nhiều các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới từng áp dụng như những calligrammes của nhà thơ cách tân Pháp Guillaume Apollinaire hiện đại...
Bên cạnh đó, Dương Tường Thơ rất giàu tính nhạc và biểu hình. Nó đủ sức lẩy lên những thanh âm và hiện lên những mảng màu quyến rũ nhất cho những ai muốn khám phá âm nhạc trong thơ và những phác thảo tranh bằng ngôn ngữ...
Tuy nhiên, cần phái trấn an bạn đọc trước rằng phải hết sức bình tĩnh và từ tốn khi đọc thơ Dương Tường bởi ông có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy trúc trắc trong việc cảm thụ cách sử dụng ngôn ngữ của ông nhưng đó không phải là thứ gì đó quá dị thường.... Chỉ tiếc là từ nay, Dương Tường "hứa" sẽ không xuất bản thêm một cuốn nào nữa.
Nhưng không ra sách nữa không có nghĩa là Dương Tường tuyệt giao với lao động văn chương. Ngược lại, ông khẳng định mình sẽ vẫn giữ nếp làm việc như cũ. Mặc dù mắt đã kém, những hàng ngày ông sẽ vẫn ngồi bên máy vi tính và "làm chữ", khoảng 1 tiếng lại nghỉ, khi nào thấy đỡ mệt, lại vùng dậy như một người mơ ngủ, phóng to văn bản trền màn hình viết tiếp. Ông cho biết, hiện ông đang hỗ trợ một người bạn hoàn thiện bản thảo cuốn sách dịch của Ludvik Kundera (1891-1971).
Ông bảo: "Còn làm được gì tôi vẫn sẽ làm. Tôi và cái máy tính là một. Nó chết thì tôi cũng... chết!", nhà thơ Dương tường di dỏm.
Vài nét về dịch giả, nhà thơ Dương Tường: Dịch giả, nhà thơ Dương Tường, tên đầy đủ là TRẦN DƯƠNG TƯỜNG. Ông sinh ngày 04/8/1932 tại thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng năm 1945 tại Vĩnh Yên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ năm 1949-1955) tham gia quân đội, cán sự văn nghệ Trung đoàn 66, sư đoàn 304. Ông bắt đầu làm thơ từ năm1952; dịch sách từ 1961, tới nay đã dịch khoảng trên 50 tác phẩm. Ông cũng có 4 tập thơ đã xuất bản, trong đó có 2 tập in chung với các tác giả khác. |
Bài và ảnh: Phạm Huy
Tags