(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 và đăng tải công khai trên mạng điện tử để lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội.
Một số điểm mới
Thông tin về công tác tuyển sinh đại học năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã thành lập tổ chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo để phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã được đăng tải công khai trên mạng điện tử để lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội. Theo đó, quy chế tuyển sinh năm 2021 cơ bản được giữ nguyên như năm 2020, chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Đó là:
- Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức: đăng ký bằng phiếu đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến.
- Thí sinh được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tìm hiểu kỹ lưỡng hơn thông tin tuyển sinh các trường đại học, đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
- Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trên thì không xét những nguyện vọng sau.
- Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2021 cũng quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Cụ thể, khi UBND tỉnh đặt hàng các trường đại học đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp THPT tại địa phương. Đồng thời địa phương phải có cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
- Sau khi trúng tuyển thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc để xác nhận nhập học. Mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu. Khi xác nhận nhập học thí sinh sẽ không có quyền đăng ký xét tuyển bất kỳ nguyện vọng ở phương thức xét tuyển khác.
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho công tác tuyển sinh năm 2021, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh, văn bản hướng dẫn tuyển sinh 2021; xác định chỉ tiêu đối với ngành sư phạm, bao gồm đào tạo đặt hàng và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bộ cũng sẽ hoàn thiện kế hoạch điều cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Bên cạnh đó, Bộ tiến hành kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, công tác tuyển sinh của một số trường.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, có kế hoạch điều động giáo viên đúng đối tượng, đủ số lượng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định. Các trường thống nhất phương án thu, chi kinh phí xét tuyển 2021; rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021, cập nhật lên hệ thống.
Đặc biệt, Bộ lưu ý các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu phụ lục và các quy định tại quy chế tuyển sinh. Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.
Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang nghiệp vụ với các thông tin trong thông báo tuyển sinh, đề án như mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ… Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, đến công tác tuyển sinh của hệ thống.
Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm… phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển
Đối với những ngành có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thấp, trường dừng tuyển sinh ngành đã công bố… cần chủ động thông báo cho thí sinh và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Từng bước phân rõ chức năng quản lý
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh, hướng tới một mùa tuyển sinh thuận lợi cho thí sinh và mang lại kết quả như mong đợi cho các trường đại học, cao đẳng. Công tác tuyển sinh hằng năm đều có những cải tiến để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Năm học 2019-2020, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua một năm đầy biến cố với dịch bệnh, thiên tai, nhưng đã tạo điều kiện hết sức cho thí sinh trong công tác thi tuyển và trong công tác xét tuyển.
Báo cáo kết quả tuyển sinh đại học năm 2020 và phương hướng triển khai công tác tuyển sinh năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm, đạt hơn 70% số thí sinh đăng ký dự thi. Thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành là hơn 467.000, đạt 86,41% tổng chỉ tiêu (năm 2019 là hơn 411.000, đạt 77,7% tổng chỉ tiêu).
- Hà Nội: Những quy định về tuyển sinh các cấp học năm học 2021 - 2022
- Năm 2021, một số trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh
- Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trong tình hình dịch COVID-19
Riêng ngành đào tạo giáo viên có trên 58.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000 thí sinh, bằng 61,58% tổng chỉ tiêu (năm 2019, con số này là trên 27.300, đạt 52,97%).
Đánh giá chung về công tác tuyển sinh 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công. Các chính sách về tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; từ đó giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.
Công tác tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo; cung cấp minh bạch thông tin và kết quả tuyển sinh. Hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất; giúp các cơ sở thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh; đồng thời ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.
VIDEO Trường đại học dân lập không được mở ngành báo chí (VNEWS):
https://vnews.gov.vn/nvideo/truong-dai-hoc-dan-lap-khong-duoc-mo-nganh-bao-chi-206850.htm
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thành công của năm 2020 chính là tiền đề, nền tảng để tiếp tục phát huy trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng bước phân rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, sự hỗ trợ, đồng hành của các sở giáo dục và đào tạo cũng như các trường phổ thông.
Trên cơ sở kết quả nhiệm vụ tuyển sinh năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ, đóng góp từ các cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia trực tiếp hỗ trợ thí sinh đăng ký nguyện vọng, đăng ký xét tuyển, xác nhận kết quả học tập... nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, đồng thời giúp cho toàn hệ thống tuyển sinh vận hành thuận lợi.
TTXVN
Tags