(Thethaovanhoa.vn) - Covid-19 khiến chúng ta không thể làm gì hơn là cho tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam cọ xát chuyên môn, rèn tâm lí bằng cách đá giao hữu với nhau. Nhưng không có nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận sau 90 phút nhàn nhạt trên sân Cẩm Phả.
Cả tuyển Việt Nam lẫn U22 Việt Nam đều cần tập dượt để hướng đến những mục tiêu khác nhau trong năm tới. ĐTQG nhắm đến các trận vòng loại World Cup còn U22 nhắm đến SEA Games.
HLV Park Hang Seo và ban huấn luyện dĩ nhiên muốn nhân những trận đấu thế này để thử nghiệm các gương mặt hoàn toàn mới hoặc tương đối mới để bổ sung nhân lực cho cả hai đội tuyển của Việt Nam nhằm đa dạng hóa lối chơi, tăng tính đột biến và gây bất ngờ cho đối thủ khi chúng ta đá vòng loại World Cup và tham dự SEA Games.
Nhưng ông Park và các cộng sự có lẽ không thu hoạch được nhiều điều sau trận giao hữu. Lí do? Hầu hết cầu thủ hai bên đều không thể hiện được nhiều điểm tích cực. Trận đấu diễn ra với nhịp độ chậm, ít va chạm, không có nhiều pha phối hợp ăn ý và sắc nét được cầu thủ hai đội thực hiện.
Bàn thắng đầu tiên của U22 Việt Nam không chỉ đến từ một pha phối hợp ăn ý của bộ ba Công Đến, Hữu Thắng, Văn Đạt mà còn đến từ lối chơi phòng ngự trung lộ lỏng lẻo, thiếu quyết liệt của tuyển Việt Nam trong đó bộ ba trung vệ được ông Park thử nghiệm như Văn Việt, Minh Tùng, Thanh Hảo dĩ nhiên mắc lỗi.
Bàn thắng thứ 2 của U22 Việt Nam đến từ quả 11m do Hữu Thắng tạo ra và đích thân thực hiện thành công sau lỗi phòng ngự không thể hiểu nổi của Văn Việt, người cũng mắc lỗi ở bàn thua đầu của tuyển Việt Nam.
Bàn thắng đầu tiên của tuyển Việt Nam lại không phải là sản phẩm của một pha phối hợp sắc nét mà đến từ lối chơi phòng ngự non kém của U22 Việt Nam. Cú sút không chính xác của Xuân Cường từ ngoài vòng cấm lại khiến Thanh Bình cản phá lúng túng khi Đức Chinh áp sát và Văn Quyết gần như được “tặng quà” với pha dứt điểm nhẹ nhàng vào lưới trống trong tư thế không bị kèm.
Bàn thắng thứ 2 của tuyển Việt Nam tiếp tục bắt nguồn từ lối chơi phòng ngự non nớt của hậu vệ U22, tạo cơ hội cho Xuân Cường thoát xuống dễ dàng và cũng kiếm được quả 11m sau pha truy cản của Văn Toản.
Bàn thắng thứ 3 của tuyển Việt Nam là thành quả của đường chuyền rất có ý đồ của Xuân Mạnh và Đức Chinh dứt điểm cận thành cũng rất gọn gàng nhưng một lần nữa, U22 Việt Nam phỏng ngự lỏng lẻo.
Hàng loạt thay đổi nhân sự được cả tuyển Việt Nam lẫn U22 thực hiện trong hiệp 2 nhưng lối chơi của cả hai đội không mang đến quá nhiều khác biệt.
Trên khán đài, ông Park vẫn cặm cụi ghi chép nhưng không hiểu có bao nhiêu cầu thủ thực sự “ghi điểm” với ông? Chắc chắn trong đó có Văn Việt nhưng là “điểm âm” chứ không phải “điểm dương” sau 2 pha mắc lỗi nặng, dẫn tới 2 bàn thua của tuyển Việt Nam.
Còn “điểm cộng” cho ai? Có lẽ là Văn Triền và Văn Quyết với những màn trình diễn “coi được” ở Cẩm Phả, tiếp nối những màn trình diễn tốt ở Sài Gòn FC (với Văn Triền) và ổn định ở Hà Nội FC (với Văn Quyết) tại V-League.
Văn Triền miệt mài đánh chặn, thu hồi bóng tốt và cũng không ít lần lên dâng cao hỗ trợ tấn công. Năng nổ và cần mẫn, Văn Triền là một trong không nhiều điểm sáng của tuyển Việt Nam ở trận này. Văn Quyết, trong khi đó, vẫn giữ được phong độ ổn định với những đường chuyền chính xác và thông minh.
Nhưng thực ra, cũng khó dùng trận giao hữu này để đánh giá về họ vì đối thủ của họ chỉ là các đàn em còn non kinh nghiệm và trận đấu chỉ mang tính giao hữu, thử nghiệm.
Thực tế, ở một trận đấu kiểu này, điều chúng ta chờ đợi là đường nét lối chơi của U22 Việt Nam và ĐTQG chứ không phải tỷ số thắng thua. Nếu U22 Việt Nam có đá chệch choạc, ai cũng hiểu chuyện đó quá bình thường vì họ là một tập hợp cầu thủ mà hầu hết còn non kinh nghiệm.
Nếu tuyển Việt Nam có nhỉnh hơn đối phương thì chuyện đó cũng bình thường vì dù có xáo trộn nhân sự, ĐTQG vẫn gồm các cầu thủ mà phần lớn là giàu kinh nghiệm thi đấu hơn các đàn em của họ.
Thế nên, tỷ số 3-2 nghiêng về tuyển Việt Nam không có gì đặc biệt. 3/5 bàn thắng ấy cũng không có gì đáng chú ý. Còn những pha phối hợp tấn công hay cả cách chơi phòng ngự của hai đội thì như đã nói, cả đàn anh tuyển Việt Nam lẫn đàn em U22 đều cần cải thiện. Dĩ nhiên U22 Việt Nam cần được cọ xát, thử lửa nhiều hơn rất nhiều mới có thể “lớn” thêm để thực sự sẵn sàng cho SEA Games vào năm tới.
HT
Tags