Điểm sàn đại học không còn nhiều ý nghĩa

Thứ Ba, 27/12/2016 10:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã thông tin với báo chí về quan điểm bỏ điểm sàn của Bộ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới tuyển sinh, nhiều chuyên gia và trường ĐH đề nghị Bộ không nên quy định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”.

Mặt khác việc quy định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.

Giải thích rõ hơn về quyết định này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015 và năm 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT còn các trường ĐH qui định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: QT

Nghĩa là, thay vì Bộ quy định một ngưỡng sàn chung thì giao cho các trường qui định ngưỡng này tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Việc này được thực hiện tương tự như đối với các trường cao đẳng năm 2016.

“Khi đưa qui định này vào dự thảo quy chế, Bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dự luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.

Mặc dù kinh nghiệm 2 năm qua cho thấy đại bộ phận thí sinh đã có suy nghĩ chín chắn khi chọn trường, chọn ngành; đa số các trường đã xây dựng được văn hóa chất lượng nhưng kinh nghiệm, năng lực quản lý và thực hiện tự chủ của các trường vẫn còn khác xa nhau; tâm lý sính bằng cấp trong xã hội vẫn còn nặng.

Thực tế, vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GD- ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ. Luật Giáo dục Đại học cũng quy định trường đại học được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Trên thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH). Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yêu tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến về điểm sàn hiện nay, Bộ GD - ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp Hiệu trưởng các trường đại học sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

Theo Lê Vân - Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›