Điện ảnh một năm đầy sợ sệt (kỳ 1): Hèn nhát đến khó tin

Thứ Bảy, 07/02/2015 13:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trước thềm BAFTA (giải điện ảnh của Anh tương đương Oscar của Mỹ), nhà báo David Cox của Guardian nhận định đầy thẳng thắn về sự giảm sút tinh thần “chiến đấu” của nền điện ảnh thế giới, cụ thể là về mặt xã hội và chính trị.

Trong những năm qua, điện ảnh đã mất đi dây thần kinh chính trị xã hội. Nền công nghiệp và khán giả đang ưu ái những tác phẩm giúp làm họ khuây khỏa. Tại sao vậy?

“Không ai ký. Không ai chịu đứng lên”

Điện ảnh có thể là loại hình nghệ thuật vượt trội của thời nay, nhưng hiếm khi là dũng cảm nhất. Trong một ngành công nghiệp nặng tính giải trí, lòng dũng cảm thường chịu thua sức ép tài chính, chính trị và văn hóa. Trong 12 tháng qua của năm 2014, ngành điện ảnh trở nên hèn nhát đến giật mình.

Năm ngoái, hãng Sony phải hủy chiếu phim The Interview (Cuộc phỏng vấn) vì bị hacker đe dọa, tài tử George Clooney đã cố kêu gọi Hollywood đứng lên chống lại sự đe dọa, bằng một cuộc ký tên ủng hộ. Nhưng kết quả thật đáng thất vọng. “Không ai ký. Không ai chịu đứng lên” – anh thông báo sau đó.

“Đây là một trong những thời điểm rụt rè nhất về sáng tạo ở Hollywood” – tài tử Will Ferrell nhận xét. “Sự thật là Hollywood ghét mạo hiểm” – theo nhà báo Steven Gaydos của Variety - “Người ta cố không làm phật lòng bất cứ kiểu khán giả nào”.


Ba phim nổi bật cho tính “kém phiêu lưu” của năm nay: The Imitation Game, The Theory of Everything và The Interview.

Các hãng phim lớn hiện đang gặp rắc rối. Năm ngoái, doanh thu ngành điện ảnh bị giảm sút vì nhiều hình thức nghe nhìn khác đang giành giật công chúng. Công chúng điện ảnh phương Tây cũng dần chán phim thương mại, khiến các hãng phim phải tìm đến những thị trường mới.

“Các thị trường quốc tế như Trung Quốc và Nga là những nơi có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành sản xuất phim hiện nay” – theo nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Peter Biskind. Để làm hài lòng những thị trường này, các phim ôn hòa và không xúc phạm ai có cơ hội lớn hơn.

Mặc dù vậy, không chỉ phim thương mại gặp khó. Các hãng phim độc lập cũng có vấn đề của riêng họ. “Những phim kinh phí thấp thường mạo hiểm hơn” – Gaydos nói – “Nhưng các phim này lại vấp phải những quy định khác nếu muốn tham gia cuộc chơi. Những tranh cãi về độ xác thực chính trị dẫn đến các phim không có một đoạn hội thoại táo bạo nào”.

Xuất sắc, nhưng thiếu cạnh sắc

Thường thì phim độc lập không bị ảnh hưởng nhiều vì khó khăn tài chính nói chung. Thành công của phim The King’s Speech năm 2010 (Oscar Phim hay nhất) khiến những phim “nhỏ” có hy vọng đến được với nhiều công chúng. Tuần này, giới làm phim độc lập ở Anh đạt thành tích mới với doanh thu năm lớn nhất từ trước đến nay.

Chính sự đón nhận đó của thị trường đã tạo điều kiện cho những bộ phim mà các giải thưởng đã và đang ưu ái. Các danh sách đề cử rút gọn vẫn đưa ra những cái tên xứng đáng. Những màn diễn xuất đỉnh cao, nghệ thuật quay phim, biên kịch và thiết kế cũng đạt tầm xuất sắc, nhưng vẫn thiếu thứ gì đó. Đó là sự sắc cạnh.

“Tìm sự táo bạo về chính trị xã hội mà đến Hollywood và giải Oscar thì nhầm chỗ” – Alex Cox, một đạo diễn Anh đầy phá cách chuyên làm phim độc lập, nói với Guardian.

Nhận định của Cox có thể được chứng minh bằng thực tế. Năm nay, phim mà cả BAFTA lẫn Oscar đều yêu thích là Boyhood của Richard Linklater - một phim với cách thể hiện đúng mực. Phim có các cô gái da trắng chăm học, chừng mực và thành đạt, các cậu trai ngỗ ngược và hay cãi. Những ông bố dượng và các giáo viên là bên lập ra rào cản cho nhân vật chính nổi loạn. Cuối cùng, cậu tìm được cô bạn gái xinh đẹp và có một sự nghiệp đáng thèm muốn.

Đầu óc thiên tài và vẻ ngoài ưa nhìn đã cứu cậu trai thoát khỏi tình cảnh gia đình thiếu thốn về tình cảm. Điều này khiến khán giả ấm lòng, hoàn toàn tương phản với phim Before Midnight (2013) của chính Linklater, với góc nhìn thẳng thắn và nghiệt ngã về hôn nhân.

Năm nay, một trong những ứng viên Phim hay nhất của BAFTA là The Imitation Game (Trò chơi mô phỏng), kể về nhà khoa học đồng tính Alan Turing (Benedict Cumberbatch đóng). Thông điệp là “Đôi khi những người ta không ngờ tới lại làm được những việc ta không ngờ tới”. Trong thời đại này, điều đó không còn mới nữa. Và thực tế đó không có giá trị thức tỉnh, mà chỉ đơn giản là thỏa mãn công chúng.

(Còn tiếp)

Hạ Huyền (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›