Tại buổi tọa đàm "Cine Talk", đạo diễn - nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, Nguyễn Hữu Tuấn cùng chuyên viên tư vấn pháp lý Hương Trần đã chia sẻ nhìn nhận của mình về vị thế điện ảnh Việt Nam so với thị trường châu Á và thế giới.
Trong những năm gần đây, nền công nghiệp điện ảnh châu Á đang dần chứng minh được vị thế của mình trong mắt các nhà làm phim phương Tây. “Parasite” (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc từng được vinh danh là Phim hay nhất tại giải thưởng Oscar 2020 ví như một chiến thắng lừng lẫy của điện ảnh châu Á. Điều này góp phần mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim phương Đông với khát khao chinh phục điện ảnh quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Vậy vị thế của điện ảnh Việt trên trường thế giới ở đâu và những thay đổi trong Luật điện ảnh (sửa đổi) đã tác động thế nào đến việc sáng tạo nội dung của các nhà làm phim?
Tại buổi tọa đàm Cine Talk, MC Thu Hà cùng với đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hòa, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn và chuyên viên tư vấn pháp lý Hương Trần đã có những nhận định riêng về ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam – cụ thể là điện ảnh nước nhà nói riêng đối với thị trường châu Á và trên thế giới.
Dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới
Không ngoa khi nhận định ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam – nhất là điện ảnh - bước đầu nhận được những tín hiệu khả quan trên thị trường châu Á và quốc tế. Nhìn lại năm 2021, khi Việt Nam và các quốc gia khác đang chống chọi với đại dịch Covid-19 thì bất ngờ thay, điện ảnh nước nhà vẫn tồn tại và đạt được những cột mốc riêng.
Đơn cử là trường hợp của “Bố già” – bộ phim mở rộng từ web-drama cùng tên do Trấn Thành sản xuất vào năm 2020. Không chỉ ghi nhận nhiều thành tích ấn tượng tại quê nhà mà “Bố già” của Trấn Thành còn được xem là tác phẩm thành công khi được “xuất khẩu” ra thị trường quốc tế. Minh chứng bộ phim từng lọt top 10 doanh thu cao nhất phòng vé Bắc Mỹ tính đến ngày 3/6/2021. Ngoài ra, phim còn được phát sóng tại một số cụm rạp ở nước Mỹ, Singapore, Malaysia và Australia.
Trailer phim "Bố già" (Nguồn: Trấn Thành Town):
Trước “Bố già”, điện ảnh Việt Nam cũng từng ghi nhận rất nhiều nỗ lực của các nhà làm phim trên con đường chinh phục khán giả quốc tế. “Hai Phượng” do Ngô Thanh Vân sản xuất từng được công chiếu tại Trung Quốc, Mỹ và lọt top 25 doanh thu tại phòng vé Mỹ sau 2 tuần lên sóng với doanh thu hơn 395.000 USD (gần 9,1 tỷ đồng).
Trong khi đó, “Lật mặt 4: Nhà có khách” của Lý Hải cũng được phát hành tại Mỹ và Australia. Ở đất nước cờ hoa, tác phẩm trình chiếu ngay 6 thành phố lớn như San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange, Seattle và Dallas.
Điện ảnh Việt Nam đã đủ sức để “tiến quân” ra quốc tế?
Mặc dù một số tác phẩm Việt Nam đạt thành tựu nhất định trên thế giới nhưng trong mắt các nhà làm phim, vẫn còn một quãng đường khá dài nếu muốn lan rộng điện ảnh nước nhà đến bạn bè năm châu.
Khi được hỏi quan điểm cá nhân về vị thế của điện ảnh Việt ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn – người từng tạo dấu ấn với tác phẩm “Mặt trời, con ở đâu?” thừa nhận quả thật so với quá khứ, số lượng rạp chiếu trong nước đã tăng lên đáng kể, tạo tiền đề tốt xây dựng thị trường cho phim Việt. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu vẫn chưa đủ nếu điện ảnh nước nhà muốn vươn tầm thế giới.
“Rõ ràng là trước đây thì cũng có rất nhiều bộ phim đạt được thành tựu ở trong nước. Nhưng nếu nói về phạm trù quốc tế thì rõ ràng điện ảnh Việt Nam vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường lớn này. Và một điều dễ thấy là cái nhu cầu của khán giả quốc tế về những nội dung bằng tiếng Việt, nhất là phim điện ảnh nói tiếng Việt còn rất thấp” – đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Chỉ trong vòng 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), điện ảnh Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển "thần tốc" với sự gia tăng cả về số lượng rạp chiếu lẫn doanh thu của mỗi tác phẩm. Đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hoà không phủ nhận điều này khi cho rằng trong 2 năm 2018-2019, tổng doanh thu của ngành điện ảnh Việt dao động khoảng 4.600 đến 4.700 tỷ đồng. Mặc dù vậy, so với các ngành công nghiệp khác như công nghiệp game thì điện ảnh vẫn không thể xem là một nền công nghiệp thực thụ.
Đạo diễn của “Nghề siêu dễ” giải thích thêm: “Nếu so với thế giới, ví dụ như quốc gia gần mình nhất là Thái Lan thì giá vé của mình vẫn thấp hơn nhiều. Ngoài ra số lượng rạp chiếu phim của mình cũng ít hơn mặc dù dân số đang tăng cao hơn.
Như vậy, rõ ràng nếu trong tương lai, điện ảnh nước nhà được chăm chút kỹ lưỡng và đầu tư nhiều hơn thì sẽ càng phát triển hơn nữa”. Trong khi âm nhạc – một mảng sáng tạo khác đã có ca sĩ, bài hát, MV vươn tầm châu Á thì đạo diễn Võ Thanh Hoà cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức độ như thế, cần phải đi sâu thêm.
- Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI có chủ đề 'Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển'
- Những 'review' đầu tiên về phim điện ảnh 'Trịnh Công Sơn' và 'Em và Trịnh'
- Điện ảnh Việt Nam không cần sự nài xin
Khi đặt lên bàn cân so sánh với ngành sáng tạo của thời trang, một local brand thông thường đã dễ dàng kiếm được từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng. Còn ở mảng game thì Việt Nam có Axie Infinity đạt đến tầm cỡ thế giới, trong khi phim điện ảnh thì vẫn chưa có được “tiếng nói” mạnh mẽ trên quốc tế.
Đây là nhận định chung của những nhà làm phim Việt Nam hiện nay đối với vị thế của nền điện ảnh nước nhà khi đặt cạnh những “ông lớn” ở châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... và xa là quốc tế.
Chính nhờ suy nghĩ đó nên những người làm việc trong mảng sáng tạo phim ảnh đều không ngừng tìm kiếm sự “nâng cấp” cả về nội dung lẫn quy định để mang đến trải nghiệm màn ảnh tốt nhất cho khán giả không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới, từ đó góp phần đưa “tiếng nói” của điện ảnh Việt lan tỏa với thế giới.
Yến Yến. Ảnh: BTC
Tags