(Thethaovanhoa.vn) - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại Hội nghị Sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Cục Điện ảnh.
Chiều 4/7, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
- Chiếu miễn phí hàng chục phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam
- Quảng bá điện ảnh Việt Nam, chuyện không của riêng ai?
- Dấu mốc vàng điện ảnh Việt Nam
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2019 đánh dấu nhiều thay đổi của Cục Điện ảnh trong công tác tổ chức. Cục đã được bổ sung đội ngũ lãnh đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ nhằm phát huy tối đa năng lực và hiệu quả công việc, đáp ứng với yêu cầu phát triển của ngành điện ảnh. Với nỗ lực lớn, Cục Điện ảnh đã từng bước khắc phục những khó khăn trong quy trình thẩm định kịch bản để tuyển chọn cho kế hoạch đặt hàng sản xuất phim giai đoạn 2018- 2021; hoàn thành tốt một số nhiệm vụ quan trọng như: tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức thành công các hoạt động quảng bá điện ảnh tại nước ngoài; hoàn thiện và đi vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính công một cửa…
Trong nhiệm vụ quản lý nhà nước, Cục Điện ảnh đã hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL ký quyết định ban hành kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) của năm 2019; dự thảo đề cương Luật Điện ảnh sửa đổi; thu thập số liệu điện ảnh và truyền hình, hoàn thiện Báo cáo đánh giá 12 năm thực hiện Luật Điện ảnh… Nhiều văn bản cũng được xây dựng, hoàn thiện như: Dự thảo "Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia- lĩnh vực Điện ảnh", Dự thảo đề án "Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh", hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; Chuẩn bị cho việc tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu…
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành điện ảnh Việt Nam sản xuất được 15 bộ phim.
Trong công tác quản lý sáng tác, sản xuất phim, đã giám định 17 kịch bản phim dịch vụ, hợp tác với nước ngoài và có thành phần sáng tác chính là người nước ngoài, trong đó có 7 dự án phim đã trình Bộ ra Quyết định cho phép sản xuất tại Việt Nam.
Cục cũng cấp 10 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và sản xuất phim nâng tổng số các hãng phim được cấp giấy phép là 513 hãng.
Đến ngày 10/6/2019, Cục Điện ảnh đã thẩm định, phân loại 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp; 80 phim nước ngoài (20 phim không được phép phổ biến); 06 phim truyện video; 2 phim tài liệu nhựa và 6 phim tài liệu video; cấp 114 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim.
Cũng tính đến tháng 6/2019, cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng gần 10 triệu lượt khán giả, đáp ứng chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm giáo dục nâng cao thẩm mỹ, hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tại Hội nghị, nhiều đơn vị đã nêu lên những khó khăn, thách thức của ngành điện ảnh hiện nay, như vấn đề về việc thiếu kinh phí Nhà nước đặt hàng sản xuất phim; các đề tài phim lịch sử, thiếu nhi chưa thu hút được nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa nên càng khan hiếm phim thuộc đề tài này; việc quan tâm đầu tư phát triển cụm rạp Việt Nam trước sự phát triển của các cụm rạp cho các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài cũng được đặt ra …
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao những kết quả mà ngành điện ảnh, Cục Điện ảnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, Thứ trưởng hoan nghênh việc bước đầu hoàn thiện các văn bản chuẩn bị sửa đổi Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, để tiến đến việc Luật Điện ảnh sửa đổi được trình Quốc hội còn một chặng đường dài, vì vậy, ngành Điện ảnh, Cục Điện ảnh và các đơn vị liên quan cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện nay, tiếp tục gặt hái những thành tích cho Cục, cho ngành.
Về kế hoạch đặt hàng phim, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, kế hoạch đặt hàng sẽ theo đúng những tiêu chí mà Luật Điện ảnh đã đề ra.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông lưu ý, Cục Điện ảnh là đơn vị quản lý Nhà nước về ngành điện ảnh Việt Nam, chính vì vậy, Cục phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà sản xuất. "Ngoài việc kinh phí cho những phim đặt hàng thì cần nghiên cứu, có những chính sách, tạo điều kiện sao cho các nhà sản xuất của chúng ta có điều kiện tốt nhất để sản xuất được những bộ phim hay"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc làm phim nghệ thuật cần phải hướng tới có khán giả. "Cần phải có cân bằng giữa nghệ thuật và doanh thu chứ không thể nào nói một chiều rằng là đã nghệ thuật là không doanh thu. Từ đó, các hãng xem xét để ngoài phim đặt hàng của Nhà nước, đầu tư tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo để làm những bộ phim cân bằng được doanh thu và nghệ thuật"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, Cục Điện ảnh chú ý thêm hai nhiệm vụ: đào tạo nâng cao năng lực sản xuất điện ảnh và phát hành phim.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, cần chú trọng đầu tư, nâng cao trình độ của đội ngũ sáng tác kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim; chú trọng giao lưu, hợp tác quốc tế góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, quảng bá điện ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch
Tags