Diễn đàn văn hóa: "Cánh thư" báo giấy

Thứ Ba, 18/06/2024 07:08 GMT+7

Google News

Chúng ta đang chuẩn bị đón chào kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào 21/6 tới. Và bên cạnh câu chuyện của báo chí và nhà báo, hôm nay tôi muốn nói tới… người đọc báo.

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, khi thói quen quẹt ngón tay trên màn hình điện thoại để lướt mạng xã hội thay thế dần thói quen lật giở trang giấy, vẫn có những độc giả trung thành với thói quen mở ra trang báo in. 

Không phải họ muốn đuổi theo những tin tức nóng sốt giờ đây có thể dễ dàng cập nhật hàng ngày hàng giờ, mà đôi khi chỉ muốn đi tìm bài viết của một cây bút mình tin cậy, yêu mến. 

Có những buổi sáng, tin nhắn đầu ngày tôi nhận là ảnh chụp trang báo có bài viết của mình, do một người bạn gửi. Bạn tôi không làm trong lĩnh vực gì liên quan tới báo chí, cũng không hẳn quan tâm đến vấn đề tôi viết, mà chỉ có niềm vui nho nhỏ là được hội ngộ người quen trên trang báo. 

Diễn đàn văn hóa: "Cánh thư" báo giấy - Ảnh 1.

Tờ "Tin nhanh Espana 82" của TTXVN, tiền thân của Báo Thể thao & Văn hoá

Rồi, chuyện từ ngày bố mẹ tôi biết con mình viết báo. Bình thường cứ cách tuần có bài đăng thì không không sao, nhưng hễ lâu rồi mà không thấy có bài, bố mẹ lại gọi điện nhắc, hỏi dạo này con viết có ổn không. 

Cho nên, ngoái góc độ chuyên môn, viết báo nhiều khi còn là muốn bạn bè, người thân vẫn được thấy tên mình xuất hiện dưới một bài báo. Như một bức thư thông báo mình vẫn ổn, vẫn tiếp tục với công việc thường lệ. 

Cũng giống như mỗi tờ báo luôn có một chuyên mục cố định, do một hoặc vài người giữ mục. Điều này tạo thói quen cho độc giả, hễ tới ngày đó là biết cây bút nào sẽ xuất hiện trên báo. Nếu hôm đó mục bị gác lại, hay không thấy cây bút quen thuộc của mình xuất hiện, họ sẽ thắc mắc, thậm chí nhắn tin hỏi tờ báo. 

Giữa tác giả và độc giả đã hình thành một kết nối đặc biệt như thế. Không trực tiếp nói cùng nhau câu nào mà như thân quen, như biết nhau từ lâu lắm. Biết có độc giả chờ đợi, người viết nhiều khi bận rộn, hay có việc bất khả kháng cũng ráng thu xếp để có bài vở, không để lỡ số báo nào.

Đôi khi tự nghĩ, tờ báo ngày nay cũng giống một bức thư tay của tòa soạn, của cá nhân mỗi nhà báo, cộng tác viên gửi đến độc giả gần xa. Ở đó, họ muốn gửi thông điệp, tình cảm, vừa chung vừa riêng đến từng bạn đọc. Nhất là khi đâu đó trên cuộc đời này, vẫn có người theo thói quen mỗi sớm mai trên đường đi làm, lúc ăn sáng, uống cà phê, ghé ngang sạp báo, mua vài tờ báo mình thích, như một phần trong cái "nghi thức" khởi động cho ngày mới.

An Kha

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›