Cùng một số biệt thự, 8 công trình kiến trúc cũ của Hà Nội vừa được đưa vào danh mục ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết nhằm phục vụ kế hoạch của thành phố về bảo tồn, chỉnh trang các công trình kiến trúc xây dựng trước 1954.
Trong số này, tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình) là một trường hợp thú vị. So với 7 kiến trúc còn lại, đây là công trình duy nhất không còn được vận hành hay giữ bất cứ công năng trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng, xét về lịch sử, nó lại có tuổi đời thuộc loại lâu nhất của thành phố, khi được xây dựng vào năm 1894, trước cả cầu Long Biên.
Như chia sẻ từ những người trong ngành cấp thoát nước, công trình này ngừng hoạt động từ thập niên 1960. Nhưng trong suốt hơn 60 năm kể từ khi "nghỉ hưu" ấy, tháp Hàng Đậu vẫn tồn tại với hình dáng, cấu trúc còn khá nguyên vẹn - dù cũng đã có những lúc được đề xuất đập bỏ.
Cao 21 mét với đường kính 19 mét, có kết cấu bằng đá hộc thô cứng nhưng lại được "mềm hóa" bởi những họa tiết, ô cửa, đường viền phân tầng… khá mềm mại theo phong cách Pháp, công trình này dù chưa được xếp hạng nhưng vẫn mặc định trở thành một di sản đô thị trong nhận thức của cộng đồng. Cũng bởi thế, vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháp đã được trùng tu và cải tạo nhẹ, đồng thời giải tỏa các trạm biến áp, ki ốt lấn chiếm kinh doanh… ở xung quanh.
Bây giờ, khi được đưa vào kế hoạch kiểm định, đánh giá của thành phố để tiến tới bảo tồn, chỉnh trang trong tương lai, rõ ràng tháp nước Hàng Đậu đang đứng trước một cơ hội lớn để khẳng định sức hút của mình. Và dù mọi thứ còn ở phía trước, cũng cần nói thêm: Công trình này rất cần được xem xét để chuyển đổi công năng hoặc có một hướng tiếp cận khai thác mới, thay cho cảnh "đóng cửa" ngay giữa trung tâm Hà Nội trong 6 thập niên qua.
"Đóng cửa" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi nếu hiện tại, phần hàng cửa sổ dưới cùng bị bịt lại để giữ an ninh và vệ sinh cho không gian bên trong thì suốt những năm vừa qua, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra các ý tưởng độc đáo nhằm mang lại một đời sống mới cho kiến trúc đặc biệt này, thay vì dừng lại ở thân phận của một tháp nước đã ngừng hoạt động.
Biến không gian trong tháp thành bảo tàng trưng bày về cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946 (đặt trong sự kết nối với vườn hoa Hàng Đậu và tượng đài quyết tử), thành nơi trưng bày về lịch sử nước sạch Hà Nội, hay thậm chí thành không gian công cộng kết hợp biểu diễn nghệ thuật - đó đều là những gợi ý thú vị và có thể xem xét áp dụng phần nào, để chúng ta thật sự phát huy hết lớp giá trị văn hóa - lịch sử mà nó mang theo trong gần 130 năm qua…
Tags