Câu chuyện về chùa Cầu (Hội An) đang đốt nóng dư luận vài ngày qua. Trước thời điểm khánh thành (3/8), từ một số hình ảnh sau khi trùng tu, đã có những ý kiến cho rằng di tích này bị mất đi cái gọi là "màu thời gian" - và xa hơn, đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng của công trình.
Để rồi ở thời điểm hiện tại, mọi nghi vấn ấy dường như đã bước đầu khép lại - khi nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng trong lĩnh vực di sản đều khẳng định: Chùa Cầu đã được trùng tu bài bản, khoa học, nghiêm túc và đạt được các chuẩn mực theo yêu cầu.
Riêng về màu sơn bị cho là "mới", như chia sẻ từ phía có trách nhiệm, từng có ý kiến cho rằng nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho chùa Cầu bớt "mới".
Tuy nhiên, ý tưởng này không được áp dụng vì không phù hợp nguyên tắc "không làm giả" của dự án, đồng có thể làm sai lệch yếu tố gốc. Và như kinh nghiệm của những người trong nghề, màu sơn này theo thời gian cũng sẽ sớm "bay màu" để gần với vẻ cũ kỹ ban đầu. (Cũng xin được cập nhật thêm là sau đó chùa Cầu có được thợ quét thêm lớp vôi có màu sậm hơn đè lên lớp vôi màu trắng đã quét trước đó. Nhưng việc này được giải thích là: "do quét vôi theo quy trình có nhiều nước, quét lại nước thứ 2 thôi, màu sắc không thay đổi. Quét vôi luôn có nước lót màu trắng và 2 nước màu. Phần công trình chính màu đã hoàn thiện sẽ không quét thêm").
***
Sự việc trên khiến người viết nhớ lại trường hợp trùng tu Ô Quan Chưởng tại Hà Nội năm 2010. Khi đó, dự án có kinh phí 70.000 USD, do Viện Bảo tồn di tích - đơn vị có uy tín cao của Bộ VH, TT&DL về trùng tu di thích - đảm nhiệm.
Giống như Chùa Cầu, Ô Quan Chưởng sau khi hoàn thành, được nghiệm thu và đánh giá là thành công nhưng vẫn không tránh khỏi bị nhiều người bài bác - chủ yếu là bắt bẻ về màu sắc "quá mới", mất đi vẻ rêu phong xưa cũ của công trình.
Khi ấy, người viết có cuộc trò chuyện với KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích) và được ông chia sẻ: "Giá trị đích thực của di tích kiến trúc không phải là những lớp rêu phong sống ký gửi và ngày ngày âm thầm làm hại di tích. Cần phải phân biệt "màu thời gian" của công trình kiến trúc được tạo ra bởi năm tháng - cái cần phải bảo tồn - với lớp rêu phủ hay cây cỏ dại xuất hiện trên bề mặt công trình - cái cần phải loại bỏ..."
Theo đó, trong việc tu bổ Ô Quan Chưởng, bằng công nghệ hóa bảo quản sử dụng hợp chất TB57, các lớp rêu và cây cỏ dại trên bề mặt công trình đã bị loại bỏ. Ở phần dưới, các bức tường đá ong đã sạch sẽ trở lại mà vẫn giữ được bề mặt cũ của đá ong. Còn ở phần trên, màu vôi quét lại sẽ được chọn theo màu cũ vẫn còn thấy rõ trên bề mặt công trình tại các vị trí không bị rêu mốc. Đương nhiên màu này sẽ không giống với màu tường bị rêu mốc như trước khi tu bổ nên gây sự khác lạ so với hình ảnh rêu mốc đã trở nên quen mắt. Song cần hiểu rằng, màu của tường khi không có rêu mới chính là màu gốc của di tích.
Và từ Ô Quan Chưởng nhìn lại, cũng có không ít di tích sau khi trùng tu từng bị dư luận chê bai là "mới toanh" với việc sơn hoặc quét vôi lại. Đó là trường hợp của những Tháp Rùa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Viện Đại học Đông Dương… Để rồi, qua thời gian, quả thật những công trình này cũng đã dần lấy lại vẻ cổ kính như nhiều người mong muốn.
Câu chuyện về màu sơn của Chùa Cầu có thể sẽ cần thêm thời gian, để trả lời chính xác cho mọi lo ngại. Nhưng, chúng ta cũng hãy nhớ một khẳng định của KTS Nguyễn Thành Vinh qua câu chuyện Ô Quan Chưởng khi xưa: "Chúng ta nên làm quen với sự sạch sẽ của di tích cùng với những đặc điểm về kiến trúc và các giá trị lịch sử, văn hóa đích thực của nó, hơn là nuối tiếc những hình ảnh rêu phong, xuống cấp - biểu hiện sự lãng quên và thiếu chăm sóc dài ngày đối với di sản của cha ông mình".
Tags