(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, câu chuyện nội bộ của gia đình Phương Mỹ Chi lại nóng lên trên công luận, điều đơn giản bởi Phương Mỹ Chi dẫu là cô bé mới 14 tuổi nhưng đã là “người của công chúng”. Nếu câu chuyện tiếp tục diễn biến, cuối cùng Phương Mỹ Chi được gì và công luận được gì?
- VIDEO: Phương Mỹ Chi hát ‘Gái Xuân’ ngày Tết
- Phương Mỹ Chi hát nhạc tình, cảnh tỉnh quá muộn màng
- Phương Mỹ Chi song ca Trung Quang trong đêm chung kết
Có thể nói: Chẳng ai được gì cả, ngoài việc mất thời gian và xấu hổ khi những chuyện không hay của gia đình phơi bày cho thiên hạ mổ xẻ, bàn tán… Hay nói như thành ngữ dân gian: “Vạch áo cho người xem lưng”.
Nhưng suy cho cùng, ai mới là người đáng trách?...
Phương Mỹ Chi là người đầu tiên “vạch áo cho người xem lưng” khi chia sẻ với một tờ báo rằng: “Hồi xưa gia đình em ở chung nhà với bà nội. Bà nội có rất đông con và đều sống ở một căn nhà nhỏ. Cuộc sống thời đó rất bất tiện, em không phải là một đứa cháu được thương yêu. Em không biết vì sao, nhưng trong nhà những cháu trai thì được quý mến, còn có việc gì sai thì đổ hết lên đầu em. Em chia sẻ điều này không phải là nói xấu gia đình mình mà đó là sự thật. Bây giờ, cô chú trong gia đình bà nội không thích em, nhưng đi dâu cũng khoe: Tôi là cô của Phương Mỹ Chi. Dù hiện tại nhà rất gần nhau, nhưng em và mọi người không gặp gỡ nhiều”.
Qua phần chia sẻ của Phương Mỹ Chi, dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng đó là những lời thật “dại dột”, chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Đáng lý trong hoàn cảnh của Phương Mỹ Chi như hiện nay, nếu có người “giám hộ” hoặc người “đại diện” để kiểm soát những gì đăng tải trên truyền thông thì có lẽ không có những ồn ào như vừa qua.
Cái sai của Phương Mỹ Chi là đã đành, nhưng người cô ruột của Phương Mỹ Chi cũng không khôn khéo hơn cô bé, cô ruột lại tiếp tục “vạch áo cho người xem lưng”, khi nói những điều không tốt về Phương Mỹ Chi và cha mẹ của Phương Mỹ Chi. Những chuyện về tiền nong, chuyện Phương Mỹ Chi không ghé thăm, không chào hỏi khi “giáp mặt” cô mình tại một nơi biểu diễn ca nhạc…
***
Nói chung, cả Phương Mỹ Chi và người cô ruột không nói đến những thương yêu đùm bọc, những tốt đẹp của quá khứ mà chỉ nói đến những chuyện xấu, như một cách tố khổ nhau, phơi bày những chuyện xấu của gia đình để thiên hạ bàn tán. Hành động của cô ruột Phương Mỹ Chi cũng được hiểu là sự “trả đũa” khi Phương Mỹ Chi nói về gia đình bên nội.
Phương Mỹ Chi có thể được cảm thông, vì cô còn “trẻ người, non dạ”, nhưng người cô ruột thì thật đáng trách, vì cô đã là “người lớn”.
Cũng may là mẹ của Phương Mỹ Chi còn tỉnh táo, không bàn luận thêm nữa về sự việc đã diễn ra, nếu không thì “cuộc chiến” của những người trong đại gia đình của Phương Mỹ Chi sẽ bùng nổ trên truyền thông.
Trả lời một tờ báo, mẹ Phương Mỹ Chi nói: “Đây là chuyện riêng của gia đình, nếu cô Út có điều gì không vui hay không hài lòng thì nên thẳng thắn trao đổi, mọi người trong nhà tự giải quyết với nhau, thay vì nói qua nói lại ồn ào trên mặt báo. Tôi xin phép được giữ im lặng, không bình luận gì về chuyện này vì không muốn Phương Mỹ Chi vướng thêm scandal, thị phi không đáng có”.
Đến đây thì sự việc xem như kết thúc, bởi mẹ Phương Mỹ Chi “khôn” hơn con gái và người em chồng, không “vạch áo cho người xem lưng”.
***
Nhưng điều làm chúng ta day dứt không phải Phương Mỹ Chi đã “trót” nói gì và người thân của cô đã “đáp trả” ra sao. Mà chính là chuyện: ai đã đưa những lời nói đó đến công chúng?
Những lời cô bé 14 tuổi nói, chắc chắn không phải là cố tình bịa ra, mà là cảm xúc thật. Nhưng sự thật đó có thể làm tổn thương những người thân của cô. Điều đó một cô bé 14 tuổi như cô có thể không lường được hết.
Nhưng người tung những lời của cô bé lên truyền thông thì phải hình dung được hậu quả đó chứ? Sự thật đó giúp ích gì được cho ai mà cần đưa lên? Đó là chưa kể, cảm xúc, nhận thức của một cô bé có thể thay đổi theo năm tháng, từ chưa hiểu đến hiểu, từ sự tủi thân, trách móc đến sự cảm thông... Cuộc sống vốn là như thế và chúng ta cũng thế - thay đổi cảm xúc với những người xung quanh. Có một điều là, với người thân thì sự ghét bỏ, hờn trách luôn chỉ là nhất thời. Cuối cùng vẫn luôn là tình yêu.
Chuyện của Phương Mỹ Chi khiến tôi nhớ đến những tâm sự gây rúng động của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà sau đó cũng gây tranh cãi trên báo chí. Lỗi tại ai? Hay chỉ là lỗi của tuổi già? Một người già bằng ba trẻ nhỏ. Người già cũng rất hay tủi thân, hờn trách, nhưng có đáng để đem những cảm xúc nhất thời đó đưa lên truyền thông để làm tổn thương những người liên quan, và có thể còn làm khó xử cả chính người trót nói?
Đôi khi người trót nói không có lỗi mà chính người “đưa chuyện” mới đáng trách. Đến đây thì chúng ta có thể trả lời câu hỏi: ai mới là người đáng trách?
Bình Minh - Cúc Phương
Thể thao & Văn hóa
Tags