Có kẻ bán, người mua nhộn nhịp lắm! Mới đây Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã phá gỡ được một đường dây làm giả cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... Thôi thì bằng cử nhân này nọ được làm giả để bán cho những người trẻ tuổi lười học muốn lận lưng tấm bằng để vào đời, nghĩ đáng thương hơn đáng trách. Thế nhưng, người lớn, cán bộ hẳn hoi mà mua bằng tiến sĩ dởm thì có chuyện rồi. Vụ việc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng học giả, bằng thật, học giả mua bằng giả như thật và công nghệ chế tạo bằng giả hiện nay. Có cầu nên ắt có cung mà. Trách kẻ mua trước, phạt kẻ bán sau.
Các đối tượng Vũ Đình Quyền (Thanh Hóa); Đào Anh Tuấn (Thái Bình) và Nguyễn Đăng Đức (Hà Nội) đã khai nhận về hành vi làm giả bằng theo đặt hàng của kẻ có nhu cầu. Tại Cơ quan Công an, Quyền khai, ngoài chiếc bằng giả Quyền làm cho Bắc, hắn ta còn làm khoảng 20 bằng tốt nghiệp các loại bán cho những người có nhu cầu. So với chi phí học thật, việc mua bằng giả là quá bèo. Chẳng hạn, bằng tiến sĩ chỉ với 15 triệu đồng và bằng thạc sĩ chỉ có giá 12 triệu đồng. Bọn này khai, đa số những người đặt mua bằng giả đều mua bằng thuộc khối kinh tế của các trường như Kinh tế Quốc dân, Ngoại Thương, Ngân hàng... Tùy độ "hot" của trường mà "hét" giá!
Quyền lên mạng rao bán các loại bằng, kèm số điện thoại liên hệ. Người có nhu cầu sẽ liên hệ với Quyền rồi hai bên ngã giá. Nguyên tắc thật trong phi vụ bằng giả là không bán bằng giả cho người quen, chỉ bán cho những người lạ. Mỗi tháng hắn bán bằng giả cũng thu lời 1-1,5 triệu sau mỗi tấm bằng giả. Vậy khách hàng là ai? Quyền khai rằng, khách hàng là những người đã hoặc sắp làm việc ở các công ty tư nhân. Họ là những sinh viên lười học, nợ môn, mãi không thể tốt nghiệp, hoặc những người chỉ tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nhưng lại muốn có tấm bằng tốt nghiệp đại học nên đã tìm đến Quyền như một cứu cánh cho tương lai của mình... Thiết nghĩ, nên làm rõ quan chức nào mua bằng tiến sĩ, thạc sĩ của bọn này.
Còn nhớ chuyện cách đây không lâu, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ đã phát hiện một đường dây làm và cung cấp các loại bằng giả, trong hơn 1 năm bọn chúng đã sản xuất ít nhất 30 văn bằng các loại mỗi tháng theo đơn đặt hàng, trong đó có cả bằng dược sĩ cao cấp. Dược sĩ dùng bằng dởm này bán nhầm thuốc thì không hiểu hậu quả sẽ như thế nào?
Chuyện "bằng giả" hay "bằng thật, học giả" không mới, nhưng đáng quan tâm là nó được tổ chức rất quy mô và công khai. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 27 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, trong đó nhấn mạnh quy định viên chức quản lý dùng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm sẽ bị cách chức. Nghị định này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, thật khó có thể "diệt tận gốc" nạn bằng giả khi xã hội vẫn còn quá coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng. Kỳ quặc hơn là vẫn còn quy định cho phép "bổ sung bằng cấp" sau. Thảo nào lắm kẻ lùng mua bằng giả!
Theo Năng Lượng Mới