(Thethaovanhoa.vn) - Ngày nay, chẳng ai còn băn khoăn gì việc Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh) được coi là “kinh điển” của văn học trung đại Trung Quốc và của cả thế giới.
“Một hôm sinh (sinh là danh từ chung chỉ nhân vật nam) ngồi trong phòng sách thì có thiếu niên tới nhờ vẽ tranh, dáng mạo rất đẹp trai, ý tứ có vẻ không đúng đắn, sinh hỏi từ đâu tới thì đáp là ở làng bên cạnh. Từ đó cứ hai ba ngày lại tới chơi một lần, dần dần quen thuộc đùa giỡn, sinh ôm ấp mơn trớn cũng không chống cự gì lắm, bèn tư thông với nhau, nhân đó lui tới ngày càng thân mật” (Trích truyện “Hiệp nữ”, Liêu trai chí dị).
Bài cuốn "Liêu trai chí dị", "Hồng Lâu Mộng" và nghệ sĩ hài Minh Béo
Về sau thiếu niên lẳng lơ bị hiệp nữ, người yêu đích thực của sinh, vung tay phóng chủy thủ giết chết, hiện nguyên hình là hồ ly.
Trong Liêu trai chí dị, chuyện giường chiếu được mô tả hết sức... bình thường, giống như là mô tả cảnh đánh răng, rửa mặt vậy. Ấy vậy mà truyện vẫn được chấp nhận trong thời đại phong kiến đầy khắt khe.
Những nhà nho Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX, đầu XX đều mê tít, đặc biệt là Tản Đà. Chính ông đã dịch 4 câu thơ mở đầu của Liêu Trai thành một tuyệt tác (thơ dịch): "Nói láo mà chơi, nghe láo chơi/ Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi/ Sự đời ắt hẳn không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời”.
Một tiểu thuyết kinh điển khác, được xem là một trong “Tứ đại kỳ thư” Trung Quốc là Hồng Lâu Mộng cũng có vài đoản thiên mô tả về ấu dâm hoặc đồng tính. Nhân vật Tiết Bàn (anh của Tiết Bảo Thoa) mắc bệnh Long Dương (đồng tính), nên hễ thấy trai đẹp là chết mê chết mệt.
Thấy trong phủ mở lớp học cho đám con nhà quyền quý, y lập tức xán vào xin học, cốt cặp kè với mấy đứa trẻ con xinh trai. Về sau Tiết Bàn gạ tình Liễu Tương Liên, một trang hảo hán, bị Liễu Tương Tiên lừa ra hẹn ngoài thành, nện cho một trận thừa sống thiếu chết, bắt phải uống nước bùn với tha.
Chuyện đồng tính vốn không xa lạ với loài ngoài từ thời khởi thủy, và cho đến nay, Mỹ cũng như rất nhiều nước trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng riêng chuyện ấu dâm (quan hệ tình dục hoặc dâm ô với trẻ nhỏ, chưa đủ tuổi thành niên) thì lại khác. Nó luôn bị coi là tội ác.
Từ Liêu trai chí dị cho đến Hồng Lâu Mộng – thời xã hội còn mông muội chưa có pháp quyền – thì ấu dâm đã là một tội lỗi rồi. Nó bị coi là hành vi tình dục lệch lạc của một thiểu số người, nói là bệnh hoạn thì hơi quá, nhưng là trác táng. Những nam thiếu niên xinh đẹp đã luôn là đối tượng bị những gã đàn ông quyền thế dụ dỗ, gạ gẫm, coi như là một “thú chơi” sau khi chúng đã chán chê gái đẹp.
Và cũng từ thời xa xưa, nhân loại đã biết đến tội “ấu dâm” kể trên, và đã phản ánh khá trung thực trong văn học nghệ thuật như một cách để “cảnh tỉnh” mọi người. Cũng như trong văn học phương Tây, có hẳn câu chuyện Ơ-đíp (Oedipus) làm vua để nói về “mặc cảm Oedipus” liên quan đến sự loạn luân.
Điều đó có nghĩa là mọi hành vi bản năng hay tội lỗi của loài người hôm nay đều không khác bao nhiêu so với thời khởi thủy, chỉ khác là con người ngày nay với ý thức cao hơn, nhất là ý thức về pháp luật, sẽ biết điều tiết hành vi của mình để sống ngày càng “con người” hơn.
Câu chuyện ấu dâm lại nổi lên trên báo chí mấy ngày nay khi thông tin từ Văn phòng Luật sư quận Cam (Mỹ) gửi thông cáo báo chí nêu rõ, ngày 23/3, nghệ sĩ hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) bị cho là đã phạm tội khẩu dâm với một bé trai tên là John Doe, khi em này đến thử giọng tại một cuộc thi tài năng ở Huntington Beach có thu hình mà anh làm giám khảo. Nạn nhân này sau đó đã báo cảnh sát Garden Grove và cảnh sát bắt đầu điều tra.
Ngày hôm sau, một cảnh sát chìm giả dạng làm trẻ em dưới 14 tuổi, liên lạc với Minh Béo. Nghệ sĩ hài tiếp tục bị truy tố vì bị cho là đã sắp xếp cuộc gặp người cảnh sát giả dạng với ý định thực hiện hành vi dâm ô. Nếu bị kết tội, Minh Béo có thể phải ngồi tù tối đa là 5 năm 8 tháng tại nhà tù tiểu bang và bị ghi danh trong hồ tấn công tình dục".
Trước nghi ngờ nêu trên của cảnh sát Mỹ, dư luận còn lật lại các vụ Minh Béo bị tố gạ tình trai trẻ ở trong nước...
Nếu vậy thì thật tiếc cho Minh Béo:Anh đã không vượt qua được những tội lỗi được cảnh tỉnh từ thời... trung cổ.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags