(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/7, một số nhà phát hành sách lên tiếng vì hành vi xâm phạm bản quyền của một công ty có trụ sở tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 TP.HCM, theo đó công ty này công khai tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói (audiobook) mà không được sự cho phép của các đơn vị nắm giữ bản quyền những cuốn sách này.
Quyền xuất bản tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả xuất bản phẩm điện tử) là quyền sao chép và quyền này được bảo hộ độc quyền cho tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, hành vi thu âm và xuất bản tác phẩm dưới dạng audibook không được phép của người nắm giữ bản quyền là hành vi xâm phạm và chủ sở hữu có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để xử lý các hành vi này.
Tuy nhiên, cách thức mà bên bị xâm phạm (Chibooks) đang áp dụng có thể sẽ không mang hiệu quả như mong muốn bởi cơ quan mà đơn vị này yêu cầu xử lý xâm phạm không phải là cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Pháp luật Việt Nam quy định có nhiều cách thức khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm bên thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự hay dân sự (Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ), và các biện pháp này sẽ được áp dụng bởi Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ).
Việc áp dụng biện pháp nào để xử lý khi có hành vi xâm phạm xảy ra phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn của chủ sở hữu - người nắm giữ bản quyền khi tiến hành biện pháp xử lý hành vi xâm phạm, bởi mỗi biện pháp sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau.
Nếu yêu cầu các cơ quan hành chính xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, các cơ quan hành chính có thể áp dụng các biện pháp xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền kèm theo đó là các biện pháp xử phạt bổ sung. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt tiền tối đa mà cơ quan hành chính có thể áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép là 35.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số.
Về bản chất, quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự do đó nếu mong muốn được xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do hành vi phát hành audiobook trái phép dẫn đến sụt giảm doanh thu sách giấy của các đơn vị nắm giữ bản quyền thì các đơn vị đang nắm giữ bản quyền sách giấy phải kiện công ty thu âm và phát hành audiobook trái phép ra Tòa án, các cơ quan hành chính không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này.
Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông không có bất kỳ thẩm quyền nào liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Do vậy mà, việc kiến nghị, đề nghị xử lý xâm phạm bản quyền về hành vi thu âm và phát hành audiobook lên Cục Xuất bản, In và Phát hành là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Luật sư Tám Trần (IP Attorney)
Thể thao & Văn hóa
Tags