(Thethaovanhoa.vn) - Ba ngày nay, khi thông tin về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ Kịch TP.HCM với kinh phí 1.500 tỷ đồng được đăng tải, công luận lại nóng lên với việc xây hay không xây nhà hát trong giai đoạn hiện nay.
- TP.HCM thống nhất xây nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm
- Nhà hát Kịch Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất
Năm 2017, TP.HCM có 13 triệu dân, hiện nay thành phố có Nhà hát TP.HCM (406 chỗ ngồi, xây dựng năm 1900); nhà hát Trần Hữu Trang (bé “như lỗ mũi” và rất nhiều bất tiện). Ngoài ra TP.HCM còn có 2 nhà hát cấp quận: Nhà hát Hòa bình (Q.10), Nhà hát Bến Thành (Q.1), cả hai nhà hát này đều không đáp ứng tiêu chuẩn của một nhà hát.
Nếu nhìn sang “Đông”, Tokyo của Nhật Bản có 300 nhà hát, nhìn sang “Tây”, Berlin theo thống kê dân số năm 2015 có 3,7 triệu dân họ cũng có gần 100 nhà hát. Nói lên những điều này để thấy rằng TP.HCM có cần xây nhà hát nghìn tỷ hay không?...
Còn nhớ ngày 14/6/2013 Sở VH,TT&DL TP.HCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM có tổ chức buổi tọa đàm về việc chọn địa điểm xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM với rất nhiều lãnh đạo thuộc lĩnh vực âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật và nghệ sĩ tham gia. Rất nhiều ý kiến đề xuất là chọn Công viên 23 tháng Chín hoặc Thủ Thiêm đều được, mà tốt nhất là xây cả 2 nơi.
Mới đây, tại kỳ họp bất thường ngày 8/10 của UBND TP.HCM, 100% đại biểu đã nhất trí thông qua đề xuất xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch với kinh phí 1.500 tỷ đồng.
Nhìn chung là giới nghệ sĩ và lãnh đạo TP theo “phe” xây.Còn “phe” không xây, chủ yếu là những ý kiến trên mạng phản hồi qua những bài báo về vấn đề này.
“Phe” không xây cho rằng cần tập trung giải quyết nạn kẹt xe, ngập nước thì thiết thực hơn việc xây một nhà hát mà loại hình nghệ thuật này rất kén khán giả.
Phải quan niệm rằng, xây dựng xã hội là xây dựng con người mà cái hàng đầu của con người là văn hóa. Nếu không có nền tảng văn hóa thì không thể có những con người có tâm, có tầm để xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ.
Sau hơn 40 năm Sài Gòn được giải phóng, cao ốc văn phòng, nhà hàng, bar, khách sạn cao tầng mọc như nấm, nhưng TP.HCM không xây dựng được một nhà hát cấp thành phố nào cả. Đạo đức và văn hóa của một số thanh niên đang xuống cấp, đó cũng là hậu quả mà việc chăm lo xây dựng văn hóa chưa đúng mức, trong đó có việc xây dựng những nhà hát.
Đừng lấy lý do, kẹt xe, ngập nước mà chống lại việc xây nhà hát. Bởi cơ sở hạ tầng của TP.HCM hiện nay chủ yếu hình thành từ khá lâu. Theo từ điển mở Wikipedia, số lượng dân cư Sài Gòn năm 1967 là 1.485.295 người. Còn năm 2017, theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - thì: “Con số thống kê chỉ 8,4 triệu người, nhưng số người thường xuyên sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì lên đến 13 triệu người”. Dù cơ sở hạ tầng có “phòng xa” và cải tạo cỡ nào thì bức tranh kẹt xe và ngập nước cũng khó tránh khỏi.
Nhưng giải quyết căn cơ về việc này là TP đã xây những khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm… ở đó đường sá rộng thênh thang. Thành phố cũng đã xây hàng chục chiếc cầu vượt, cùng rất nhiều cầu, nối quận 1, quận 5 với quận 4, quận 8… cơ bản giải quyết được nạn kẹt xe ở nhiều khu vực.
Không những xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, mà TP vừa phê duyệt xây dựng Nhà hát Xiếc (cũng nghìn tỷ tại Trường đua Phú Thọ) và tại Thủ Thiêm còn có dự án xây Nhà hát đa năng. Đó là trong quy hoạch tổng thể “nhìn xa trông rộng” của TP - việc xây dựng kinh tế, tiện ích đời sống phải song song với việc xây dựng văn hóa.
Nếu nghĩ như “phe” chống nói trên, thì những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tại sao chúng ta lại xây dựng Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát Giao hưởng hợp xướng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia?
Vấn đề xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, điều đáng nói là TP.HCM như chơi trò cút bắt. Văn phòng UBND TP.HCM đã có nhiều thông báo về việc xây dựng nhà hát này. Năm 2006 là tại 23 Lê Duẩn, Q.1 (cơ sở của Xổ số kiến thiết TP.HCM), năm 2009 là Công viên 23/9, năm 2011 là tại Thủ Thiêm, tháng 12/2012 đổi về lại Công viên 23/9, nay lại dời sang Thủ Thiêm.
Hy vọng lần này, TP.HCM sẽ “bấm nút” khởi công xây dựng, để Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM thoát cảnh Nhà hát không có “nhà hát”.
Hải Long
Tags