1. Trở lại sự việc kinh hoàng, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở TP HCM đánh chết cháu bé 18 tháng tuổi cách gây khoảng 10 ngày làm rúng động dư luận. Khi thấy cháu bé mình nhận nuôi khóc, "bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ bóp cổ, dùng chân đạp lên ngực, bụng khiến cháu bé dập phổi, đứt mạch máu tim dẫn đến tử vong". Tất cả sự chú ý đổ dồn về mức hình phạt người bảo mẫu phải chịu; chuyện đời tư phức tạp của cô, trách nhiệm của các đơn vị quản lý…
Song tất cả đều quên, kẻ đã gây ra hành động tội ác ấy cũng là một người mẹ trẻ. Và đằng sau cô còn một đứa trẻ khác - đứa con nhỏ với những tháng ngày dài rộng của tương lai phía trước. Đứa trẻ ấy vô tội. Một tuổi thơ thiếu thốn vật chất hay vắng bóng mẹ là không đáng dành cho em.
Với tấm lòng bao dung, anh Đỗ Trọng Đức - cha cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết quyết định không viết đơn kiện, để Hồ Ngọc Nhờ sớm được về với con trai.
Phát ngôn trong cơn giận run người của người cha vừa mất con: “Không kiện, cho cô ta (bảo mẫu đã đánh chết con anh) được về với con” khiến nhiều người rưng rưng.
Và nhiều tớ báo đã nói về hành động người mẹ mang hộp sữa của đứa con xấu số đang dùng dở cho con của kẻ đã giết con mình còn làm dư luận bẽ bàng, cảm phục và cả giật mình nhìn lại.
Không giật mình sao được, khi phản xạ đầu tiên của bất cứ ai trong chúng ta khi nghe tội ác xảy ra là sự trả giá. Dù nó không làm hậu quả tội ác được rút lại. Nó cũng chẳng làm thiện tâm sống dậy trong lòng kẻ thủ ác. Nhưng nó làm cho nhiều người thỏa mãn, vì "gieo gió, gặt bão" "nợ máu phải trả bằng máu", lẽ đời là vậy (?!)”.
2. Ngay sau khi sự vụ bảo mẫu đánh chết trẻ đăng tải trên các phương tiện truyền thông, theo lẽ thông thường, "bảo mẫu ác quỷ" này lập tức đứng trên “đoạn đầu đài" của sự trừng phạt. Tuy nhiên, câu chuyện đầy tính nhân đạo, như cổ tích vừa xảy đến đã vượt ra ngoài mọi sự đoán định của nhiều người. Và tòa án lương tâm với những chứng cớ và lý lẽ riêng của tình người cũng là “phiên tòa” bị lãng quên nhiều năm nay đã được nhắc lại. Nó làm những tư duy duy lý vỡ vụn!
Hai người công nhân có đứa con xấu số, họ sống trong một xóm trọ nghèo. Cả ngày họ làm trong những phân xưởng, có lẽ họ không có nhiều thời gian đọc những lời thù hằn của nhiều người trên “cộng đồng mạng”. Họ cũng không quá chú tâm nghe các luật gia “lập ngôn” về những hình phạt khủng khiếp dành cho kẻ đã giết con mình. Nhưng họ đã làm theo tiếng gọi từ trái tim người cha, người mẹ. Sự độ lượng và từ tâm của họ đã cứu rỗi cho tuổi thơ một đứa trẻ, góp phần cảm hóa một con người.
Và họ đã chở yêu thương vào lòng hận thù, “hồi sinh” lòng tin yêu vào bản chất con người của tất cả chúng ta, để "hận thù người người lắng xuống".
Phạm Mỹ