Bất ngờ với nguồn gốc Hồ Gươm

Thứ Sáu, 24/01/2020 08:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hồ Hoàn Kiếm trên bản đồ 1890 có diện tích 13 ha, đến năm 1969 chỉ còn 10,7 ha, và không thay đổi cho đến nay. Nhưng trước đó nữa, Hồ Gươm rộng hơn nhiều và có thể chính là đoạn sót lại của nhánh sông cổ chảy từ Hồ Trúc Bạch. Những nghiên cứu mới về Hồ Gươm được trình bày trong cuốn Sông hồ Hà Nội (Đặng Văn Bào chủ biên, NXB Hà Nội, 2019) rất đáng chú ý.

Sống chậm cuối tuần: Đọc sách ở Hồ Gươm, tại sao không?

Sống chậm cuối tuần: Đọc sách ở Hồ Gươm, tại sao không?

Đi dạo ở Hồ Gươm, chuyện thường xuyên. Ăn kem ở Hồ Gươm, điều chẳng hiếm. Đọc báo ở Hồ Gươm, dường như chỉ người già. Tập thể dục ở Hồ Gươm, xưa nay vẫn thế. Riêng đọc sách ở Hồ Gươm thì vô cùng hiếm.

1. Theo cuốn Sông hồ Hà Nội. trên bản đồ Hà Nội năm 1897, khu phố cổ Hà Nội đếm được 41 hồ lớn nhỏ khác nhau. Thế nhưng, đến năm 1969, các hồ ở khu phố cổ đã “biến mất” gần hết, chỉ còn Hồ Hoàn Kiếm và một hồ rất nhỏ gần góc đường Trần Nguyên Hãn và Lý Thái Tổ, thực ra là bể bơi của Cung thiếu nhi. Và đến nay, khu vực quận Hoàn Kiếm chỉ còn lại duy nhất Hồ Gươm.

Theo các bản đồ cổ và tư liệu khác, Hồ Hoàn Kiếm xưa kia rộng hơn nhiều so với ngày nay. Hồ kéo dài từ phố Hàng Đào đến tận phố Hàng Chuối, chia làm hai phần: hồ trên và hồ dưới, ngăn cách bởi doi đất làng Cựu Lâu và có lạch thông với sông Hồng.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “Sông hồ Hà Nội”

Hồ Hoàn Kiếm từng có một số tên gọi khác như Hồ Hoàn Gươm (trên bản đồ 1886), Hồ Lục Thủy (có nước màu xanh quanh năm). Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và hồ Hữu Vọng (hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi để duyệt quân của triều đình). Đến thời Tự Đức (1847-1883), hồ Hữu Vọng có tên là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là Hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 1884, người Pháp cho lấp hồ Thuỷ Quân để xây dựng, mở mang Hà Nội.

Hồ Hoàn Kiếm trên bản đồ 1890 có diện tích 13 ha, đến năm 1969 chỉ còn 10,7 ha, và không thay đổi cho đến nay. Hồ được bao quanh bởi những phố chính ở trung tâm Hà Nội và có vị trí kết nối giữa khu phố cổ với khu “Phố Tây” do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ. Hiện nay Bờ Hồ đã được quy hoạch thành những tuyến phố đi bộ, có đường dạo chơi cho khách tham quan…

Về nguồn gốc Hồ Hoàn Kiếm, đa phần các nhà nghiên cứu cho rằng hồ là một khúc chết của sông Hồng. Trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (1959), Doãn Kế Thiện có ghi: “Hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng còn sót lại”; Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán trong Hà Nội nghìn xưa (1975) cũng cho rằng: “Cội nguồn của hồ Gươm, cũng như hồ Cổ Ngựa, hồ Hàng Bạc - Hàng Đào, hồ Sao Sa (Hàng Chiếu) là một khúc sông Hồng” và “Hồ Gươm là một di tích khúc sông Nhị bị những bãi cát chèn ở phía bắc, phía đông”.

Tuy nhiên, các tác giả cuốn Sông hồ Hà Nội khẳng định thêm rằng: “Hồ Hoàn Kiếm là đoạn sót lại của nhánh lòng sông cổ chảy từ Hồ Trúc Bạch qua Hàng Than, Cầu Gỗ, Hồ Gươm, Lò Đúc, Kim Ngưu và trở lại với sông Hồng tại Yên Sở”.

Chú thích ảnh
Hồ Gươm nhìn từ trên cao

2. Ngày nay, cùng với việc mở mang, xây dựng các khu đô thị ở Hà Nội, các các hồ, ao, đầm cũng bị thu hẹp và một số đã bị lấp đi hoàn toàn. Khu vực phố cổ chỉ còn tồn tại duy nhất Hồ Gươm, những đầm hồ phía Cửa Bắc, Cửa Đông được lấp gần hết chỉ còn lại hồ Trúc Bạch.

Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại rằng Hà Nội xưa có tới 300 hồ ao, phân bố với mật độ dày đặc trong thành phố, ven Hà Nội vẫn là sông Hồng, bao quanh vẫn là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu nhưng có độ dài và độ rộng đủ cho tàu thuyền qua lại.

Mặc dù số lượng và diện tích hồ ở nội thành Hà Nội đã bị giảm đi đáng kể, song cho đến nay, Hà Nội vẫn được coi là thành phố sông hồ. Hồ ở nội thành Hà Nội tạo nên ấn tượng về màu xanh, đặc biệt khi nhìn từ trên cao.

Hoài Thương
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›